Tấn bước những bước chậm rãi, cố gắng để cho tiếng giày không vang lên quá to trên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp leo lên tầng bốn, đã mấy lần anh bị hàng xóm nhắc nhở về chuyện này. Anh cũng định chuyển xuống tầng thấp hơn cho đỡ phải leo, nhưng tầng thấp giá lại cao hơn nhiều nên anh đành phải bỏ ý định này.
Căn hộ ít người nên lạnh ngắt, Tấn xách xô than cho vào lò châm lửa đốt. Xong việc nhóm lò anh mới chậm rãi gieo mình xuống chiếc ghế đệm, cởi đôi giày cao cổ đặc biệt mà anh mang nó suốt cả ngày làm việc. Theo thói quen, bao giờ Tấn cũng cởi chiếc giày trái ném vào góc nhà, rồi dần dà cởi 26 nút giây từ trên xuống của chiếc giày bên phải. Anh từ từ rút ống chân ra khỏi chiếc chân gỗ. Sau ba lần tất và một lần băng lót là chiếc chân phải không bàn của anh.
Tấn xoa xoa chiếc đầu xương nhẵn bóng đã thành chai như vỗ về như an ủi nó sau một ngày vất vả. Đã nhiều lần anh liên tưởng 26 nút giây giầy với cái tuổi 26, đúng cái tuổi mà anh đã để lại chiếc bàn chân ngoài chiến trường sau một loạt pháo của kẻ địch. Vậy là anh lính trinh sát gan lỳ ấy phải trở về hậu phương đi học. Tưởng tượng cũng không nghĩ được hôm nay anh lại trở thành công nhân công ty cây xanh ở một thành phố xa lắc xa lơ này.
Ngày ngày Tấn dậy sớm, nhét đồ ăn trưa vào túi, chuyển hai lần tàu điện ngầm và một đoạn xe buýt ngắn đến trụ sở công ty, quẹt chiếc thẻ chấm công lao động vào ổ tự động, lĩnh dao, kéo, dụng cụ cắt tỉa chăm sóc cây rồi đến khu vực được phân công làm việc. Thường là một góc công viên trong thành phố hay những cánh rừng ven đô. Tấn cắt bỏ những cành già, cành sâu để cho những chồi non mới mọc. Một ngày mùa hè, đi tới lùm cây cần tỉa cành thì thấy một đôi trai gái nằm khỏa thân phơi nắng. Tấn chửi đổng một câu rồi bỏ đi nơi khác. Tấn sống nghiêm túc như một tu sĩ thực thụ. Mùa thu thì gom lá vàng, mùa đông thì cào tuyết, công việc cứ như thế lặp lại như vòng tuần hoàn của đất trời vô định. Được cái sống với thiên nhiên, ít va chạm, con người thanh thản hơn. Anh rất ít giao du với mọi người.
Đúng ra hôm nay là ngày vui của một người như Tấn. Sau hơn 7 năm miệt mài làm việc, lại thông thạo tiếng Đức, nếu cộng cả thời gian học anh đã có xấp xỉ 15 năm trên đất này. Đó là một tiêu chuẩn để anh có quyền cư trú vĩnh viễn tại nước sở tại. Buổi chiều trước lúc về, giám đốc trao cho anh quyết định công nhận B.H. Tân là dự bị viên chức làm việc trong công ty. Có nghĩa là anh không sợ thất nghiệp hoặc bị đào thải và càng không lo bị đuổi về nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cái mà rất nhiều người nước ngoài sống ở đây muốn có. Vậy mà Tấn chẳng thấy vui, anh mâm mê chiếc chân cụt lâu hơn mọi ngày và trầm ngâm suy nghĩ. Anh giở lá thư mới nhất của Hiền, vợ anh, đem ra đọc lại. Không biết đây là lần thứ mấy, nhưng dường như cái quyết định và lá thư làm anh xao động:
"Anh ơi! Tối thứ Bảy, em thật buồn và chẳng đi đâu cả. Bố bảo, lại nhớ anh rồi. Lúc này chỉ muốn có anh để kể anh nghe mọi chuyện. Con mọt trên cái giá sách cũ của bố cứ ra sức mài mòn những chiếc răng của nó. Nỗi buồn đã làm em thao thức không thể nào ngủ được. Hà Nội vẫn có nắng vàng, nhưng gió mùa đông bắc đã tràn về. Lạnh và cô đơn anh ạ.
Em mang những chiếc áo rét anh gửi về cho em ra xem. Xem thôi chứ em không mặc đâu, đừng trách em. Em mặc vào mọi người nhìn em chỉ bằng con mắt thương hại hoặc ghen tị mà thôi. Mà xem ra ghen tị thì ít mà thương hại thì nhiều, mà cả hai thứ em đều không thích. Quả thật trông em thật thảm hại trong sự mới mẻ của quần áo đến lố bịch. Cũng có thể do em tưởng tượng ra như thế mà thôi anh nhỉ! Hơn nữa không có anh, mọi thứ đối với em đều vô nghĩa.
Lúc này anh đang ở đâu, chân còn hay bị đau không? Đành rằng bên ấy anh có đầy đủ thuốc thang, em biết anh chẳng thiếu thứ gì. Nhưng ai sẽ giúp anh trong công việc hàng ngày, còn lúc ở nhà nữa, em chẳng hình dung nổi. Mặc dù anh vẫn thường động viên em, ngày xưa ở chiến trường còn gian khổ hơn nhiều mà anh có sao đâu. Em chẳng được đi xa, chẳng hiểu biết nhiều như anh. Nhưng em cứ nghĩ, ngày ấy anh còn đồng đội, có bao người bên anh. Còn bây giờ…?"
Tấn nhớ lại cái ngày mới quen nhau, nét mặt anh dãn ra với một nụ cười xa vắng. Dạo ấy, mới về cơ quan, anh vẫn sống với một thói quen của người lính: nghiêm túc và cứng nhắc. Có nghĩa là đến giờ ăn là đi ăn, ai rủ đi đâu cũng không đi. Nói chuyện với thủ trưởng dù già hay trẻ cũng đều là anh và tôi, không anh, em, hay chú cháu gì hết. Một buổi trưa, anh tranh thủ đến bệnh viên 103 thăm một người bạn ốm. Buổi chiều có họp, nên mặc dù trời mưa rất to anh vẫn mượn áo mưa mặc vào rồi tất tưởi đạp xe về. Đến con đường rẽ vào cơ quan, hai bên là hai dãy nhà tập thể. Mưa ngập đường, bánh trước tụt vào cái hố, anh ngã lộn cổ xuống đường. Chiếc chân giả tềnh toàng ngày ấy văng đi một nơi. Bác chữa xe trú dưới mái hiên nhà chạy tới giúp anh đứng dậy và cô bé Hiền (vợ anh bây giờ) nhặt chiếc chân gỗ mang lại cho anh.
Cô thấy anh cười, về sau vợ anh nói lại, cô rất ấn tượng với nụ cười bỡn cợt của anh với tai nạn của mình. Anh đã thay lời cám ơn cô bằng một nụ cười như vậy. Có cái gì đó hấp dẫn cô trong nụ cười ấy. Họ quen nhau từ đó, rồi không biết đã yêu tự bao giờ. Khi quen anh Hiền vẫn sống cùng cha trong căn phòng 18m2, cấp bốn. Còn anh, ngày làm việc cơ quan, tối ngủ bàn cơ quan. Mặc dù vậy Hiền và anh vẫn sống những ngày đầy ắp ước mơ và hạnh phúc ngọt ngào. Khi lấy nhau anh về ở với gia đình vợ.
Bây giờ Hiền ra sao, có thay đổi nhiều không. Anh nhấc tấm ảnh trên bàn ngắm nghía. Năm tháng làm nhạt nhòa gương mặt người yêu, anh không thể nào hình dung ra nổi nữa. Mùi cơm cháy khét lẹt trong bếp. Tấn bật dậy, tấp tểnh bước cao, bước thấp chạy vội ra. Những dấu chân tròn in sâu trên nền thảm mịn.
Một ngày trên sân ga hàng không Nội Bài, tôi bất ngờ gặp lại Tấn vào một buổi chiều đã muộn. Nhận ra tôi, anh tới chào. Tôi hỏi anh.
- Anh đi hay về thế này?
- Mình về, về hẳn đấy cậu a.
Tôi nhìn quanh không có ai đi đón. Hiểu ý, anh nói:
- Hiền mất rồi. Mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.
Tôi sững người và chia buồn cùng anh. Tấn nói tiếp.
- Trước đây mình mải mê kiếm sống, không được gần cô ấy. Bây giờ mình không thể để nấm mồ cô ấy không có người coi sóc được, mình phải trở về.
Nhìn đôi mắt đỏ hoe, thú thực tôi không biết nói gì, kể cả những câu động viên thông thường của con người. Thật may, loa phóng thanh đề nghị quý khách khẩn trương vào phòng đợi chuyến bay Hà Nội - TP HCM vang lên. Chúng tôi vội vã tạm biệt nhau trong im lặng.
Thế mới biết trong trận chiến thời mở cửa này, không khéo đối phương cũng chính là ta. Được và mất cứ hoán vị nhau và để lại những vết thương còn khó lành hơn. Tôi ngoái lại nhìn anh, chỉ thấy mái tóc bạc trắng nhấp nhô và bước chân đi khập khiễng hơn trước. Mặc dù lúc này anh đang dùng chiếc chân giả mà nên công nghiệp tiên tiến nhất đã làm ra.
Văn Thành
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com