Dự thảo đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2021 đã được lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo, trước khi được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump phê duyệt hôm 11/12.
NDAA, đạo luật trị giá tới 740 tỷ USD, giúp vạch ra chính sách cho Bộ Quốc phòng Mỹ và được coi là đạo luật "phải thông qua" của nước này trong 60 năm qua. Đạo luật quyết định mọi thứ, từ tăng lương cho binh sĩ đến số lượng máy bay cần mua sắm, hay cách ứng phó trước những đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ đầu tháng, Trump đã đe dọa sẽ phủ quyết NDAA nếu nó không vô hiệu hóa Điều 230, một điều khoản trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ giúp các công ty mạng xã hội, như Facebook hay Twitter, thoát khỏi các vụ kiện về nội dung do người dùng đăng tải. Theo Trump và một số nghị sĩ Cộng hòa, Điều 230 trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý, cho phép họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình.
Tuy nhiên, cả Hạ viện và Thượng viện đều đã phớt lờ lời đe dọa của Trump, thông qua đạo luật này với trên 2/3 phiếu thuận mà không có điều khoản vô hiệu hóa Điều 230, cho rằng nó nằm ngoài thẩm quyền của Ủy ban Quân vụ lưỡng viện. Động thái quyết liệt của quốc hội Mỹ đặt Trump trước ba lựa chọn: Ký thông qua đạo luật, phủ quyết nó hoặc không làm gì cả và nó sẽ mặc nhiên trở thành luật.
Trump có 10 ngày từ khi tiếp nhận dự luật, trừ hai ngày chủ nhật, để đưa ra quyết định. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng giấu tên cho biết lệnh phủ quyết "có thể được đưa ra sớm hơn một chút" so với hạn chót 23/12, nhưng Trump vẫn chưa đưa ra bất cứ động thái rõ ràng nào.
Điều mà nhiều thành viên của cả hai đảng tại quốc hội lo ngại là Trump sẽ "câu giờ" đến phút cuối, thời điểm các nghị sĩ đã rời Washington để nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. "Dường như những gì ông ấy đang làm là chờ đợi cho đến ngày 23/12. Đó chỉ là một giả thuyết của tôi", Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ Jim Inhofe nêu ý kiến.
Nếu tình huống này xảy ra, các lãnh đạo lưỡng viện quốc hội sẽ đứng trước hoàn cảnh chưa từng có, khi họ sẽ phải triệu tập các nghị sĩ, thượng nghị sĩ trở lại Washington chỉ vài ngày trước Giáng sinh và năm mới để tiến hành một phiên bỏ phiếu nhằm "vượt quyền" quyết định phủ quyết của Trump, biến NDAA thành đạo luật chính thức.
Các lãnh đạo Hạ viện Mỹ đang thảo luận về việc triệu tập nghị sĩ trở lại từ ngày 28/12, nhưng sẽ không chốt kế hoạch cuối cùng cho tới khi Trump chính thức phủ quyết NDAA. Trong khi đó, Thượng viện Mỹ khả năng cao sẽ tiến hành bỏ phiếu "vượt quyền" Trump vào ngày 3/1, chỉ vài giờ trước khi quốc hội khóa cũ hết nhiệm kỳ, quốc hội khóa mới tuyên thệ nhậm chức.
Ban đầu, Hạ viện thảo luận về phương án bỏ phiếu "vượt quyền" Trump vào ngày 2/1, chỉ sớm hơn một ngày so với thời điểm các nghị sĩ dự kiến trở lại quốc hội. Tuy nhiên, một số trợ lý Hạ viện cảnh báo ngay cả khi họ "vượt quyền" thành công lệnh phủ quyết của Trump vào hôm đó, Thượng viện vẫn sẽ không đủ thời gian để bỏ phiếu trong sáng hôm sau, nếu có một thượng nghị sĩ tìm cách làm gián đoạn quá trình này.
Theo một trợ lý, Hạ viện có lẽ cần bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Trump và chuyển lên Thượng viện muộn nhất vào ngày 29/12, nhằm đảm bảo tiến trình "có thể vượt qua bất kỳ rào cản về thủ tục nào".
Trong trường hợp thất bại, họ có thể chuyển lại đạo luật cho quốc hội khóa mới để tổ chức bỏ phiếu vượt quyền phủ quyết của Trump, nhằm nhanh chóng thông qua dự luật. Tuy nhiên, kịch bản này được cho là một nỗi hổ thẹn với quốc hội khóa cũ, bởi NDAA đều được phê chuẩn mỗi năm trong gần 6 thập kỷ qua.
Một quan chức Nhà Trắng cấp cao cho biết các trợ lý đã khuyên Trump không phủ quyết dự luật để tránh những tình huống bất thường, nhưng không nêu cụ thể ai là người can ngăn và liệu Tổng thống có lắng nghe hay không. Thượng nghị sĩ Inhofe, đồng minh hàng đầu của Trump, cũng cố gắng thuyết phục ông trong cuộc điện đàm tuần trước, nhưng hai người chưa nói chuyện lại kể từ đó.
Nếu Trump vẫn một mực phủ quyết đạo luật, việc quốc hội chờ đến ngày 3/1 mới bỏ phiếu vượt quyền ông có thể gây ra một số vấn đề trong quá trình thực thi NDAA, như trì hoãn tiền thưởng cho binh sĩ hay thời điểm bắt đầu các dự án xây dựng quân sự.
Do nhiều điều khoản quan trọng hết hạn vào cuối tháng 12 hàng năm, các nghị sĩ thường nhanh chóng hoàn thành việc thông qua NDAA trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, một số người đánh giá việc bỏ phiếu để chính thức hóa NDAA vào ngày 3/1 về cơ bản không ảnh hưởng đến hoạt động của quân đội Mỹ.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo quốc hội được cho là cần một số nghị sĩ ủy nhiệm người bỏ phiếu thay để đạt tỷ lệ 2/3 số phiếu thuận nhằm vượt quyền phủ quyết của Trump, bởi hàng chục nghị sĩ nghỉ hưu hoặc thất cử có khả năng sẽ không đến Washington trong những ngày cuối nhiệm kỳ, trong lúc nCoV đang lây lan dữ dội. Các phiếu bầu này có thể đóng vai trò quan trọng, đặc biệt nếu một số hạ nghị sĩ Cộng hòa quyết định đổi ý đứng về phía Trump, dù chỉ vài ngày trước họ vẫn ủng hộ dự luật.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith tuần trước cho biết "lựa chọn duy nhất" của các nghị sĩ nếu không thể vượt quyền phủ quyết của Trump là nỗ lực thông qua một đạo luật quốc phòng tương tự sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc này rất khó khăn cả về thủ tục và chính trị.
Các nghị sĩ được cho là cũng sẽ khó xử nếu không thể hiện thực hóa dự luật giúp tăng lương cho binh sĩ và tăng cường năng lực quốc phòng, sau nhiều tháng xung đột với Trump vì Tổng thống phản đối việc đổi tên các căn cứ vinh danh những lãnh đạo Liên minh miền Nam trong Nội chiến, điều khoản cũng nằm trong dự luật.
Trump hôm 17/12 một lần nữa đe dọa phủ quyết NDAA trên Twitter. "Tôi sẽ phủ quyết dự luật quốc phòng, thứ mà sẽ khiến Trung Quốc rất hài lòng. Cần phải loại bỏ Điều 230, bảo vệ các di tích quốc gia và cho phép rút quân khỏi những nơi xa xôi", Tổng thống Mỹ viết.
Tuy cuộc bỏ phiếu ở cả hai viện về NDAA đều vượt ngưỡng 2/3 phiếu thuận cần thiết để đảo ngược quyền phủ quyết của Trump, một số nghị sĩ vẫn có nguy cơ sẽ đổi ý vì lo ngại chọc giận Tổng thống, mặc dù cần tới hàng chục người làm như vậy mới có thể xoay chuyển cục diện.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy là một ví dụ, khi ông cho biết sẽ không bỏ phiếu chống lại lệnh phủ quyết của Trump, dù ủng hộ NDAA. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người ủng hộ nỗ lực loại bỏ Điều 230 của Trump, cũng tuyên bố sẽ đứng về phía Tổng thống nếu ông phủ quyết dự luật.
Graham, người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, đã giới thiệu một dự luật khác vô hiệu hóa Điều 230, đồng thời dự đoán một cuộc bỏ phiếu về dự luật này "có lẽ đủ" để tránh một "trận chiến phủ quyết". Tuy nhiên, các lãnh đạo phe Cộng hòa hiện không có kế hoạch tổ chức cuộc bỏ phiếu nào thông qua một dự luật như vậy.
Ánh Ngọc (Theo Politico)