![]() |
Mười năm trước đây, Tingyi Holdings, một công ty Đài Loan, nhưng hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tingyi đã gần như "một mình một chợ" tạo ra nhu cầu mỳ ăn liền ở Trung Quốc và khẳng định được vị thế của mình trên thị trường này. Hiện nay, với nhãn hiệu Master Kang, Tingyi đang chiếm 30% thị phần mỳ ăn liền Trung Quốc. Frank Lin, Giám đốc tài chính của công ty này nói: "Chúng tôi bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền ở Trung Quốc vào năm 1992. Thị trường mỳ ăn liền ở nước này đã không ngừng tăng trưởng kể từ đó".
Thành công của Tingyi ở Trung Quốc đã kéo theo nhiều công ty sản xuất mỳ ăn liền khác đến thị trường lớn này. Nổi bật trong số đó là Uni-President, cũng là một công ty của Đài Loan. Sáu năm trước đây, công ty này đã xây nhà máy ở Trung Quốc và hiện chiếm lĩnh 18% thị phần. Theo chân công ty này là hàng trăm công ty lớn nhỏ khác. Theo thống kê, trong vòng 5 năm qua, đã có khoảng 2.000 dây chuyền sản xuất mỳ ăn liền được ra đời ở Trung Quốc, đưa giá trị thị trường mỳ ăn liền ước tính lên đến 2,5 tỷ USD vào năm 2002.
Trong bước phát triển tiếp theo, Tingyi dự định sẽ mở rộng thị trường ở Đài Loan, cũng với nhãn hiệu Master Kang. Tại đây, công ty sẽ lại đụng độ với Uni-President, vốn đang chiếm lĩnh 50% thị phần. Đầu năm ngoái, Tingyi đã bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền ở Đài Loan với quy mô nhỏ. Dự kiến trong tương lai, khi Đài Loan bỏ các hạn chế đối với hàng thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc theo những cam kết của lãnh thổ này với Tổ chức Thương mại Thế giới, Tingyi sẽ đầu tư nhiều hơn.
Có thể xem Nhật là thủy tổ của mỳ ăn liền. Tại Nhật, mỳ ăn liền được sản xuất lần đầu tiên vào những năm 50 và sau đó lan rộng ra các nước khác ở châu Á và châu Âu vào thập niên 70. Tuy nhiên, trong lúc mỳ ăn liền ngày càng được ưa chuộng ở các nước thì thị trường mỳ ăn liền ở Nhật lại bắt đầu suy giảm sau khi đạt đến đỉnh cao - một tỷ gói mỗi năm.
Để khắc phục tình trạng này, các nhà sản xuất mỳ ăn liền trong nước ở Nhật đã đưa ra hai cải tiến mới để nhờ đó, doanh số bán mỳ ăn liền ở nước này đã tăng trở lại gấp 4 lần sau đó. Cải tiến thứ nhất là đưa ra thị trường nhiều loại mỳ ăn liền có mùi vị khác nhau. Kế đến là đa dạng hóa bao bì, ngoài đóng gói truyền thống, các nhà sản xuất Nhật còn sản xuất thêm mỳ ăn liền đựng trong ly nhựa hoặc giấy làm tăng tính tiện dụng của sản phẩm. Thoạt đầu, loại mỳ ly này bán rất chậm do giá cao. Tuy nhiên, khi thu nhập của người tiêu dùng ở Nhật tăng lên, mỳ ly ngày càng được ưa chuộng.
Những cải tiến trên của các nhà sản xuất Nhật nay cũng đang được các nhà sản xuất mỳ ăn liền ở các nước châu Á khác như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam.... áp dụng nhằm hướng tới đối tượng khách hàng có thu nhập cao.
So với Nhật, mỳ ly cao cấp ở Indonesia, hiện chỉ chiếm 1% thị phần mỳ ăn liền nước này, nhưng dự báo con số sẽ tăng lên trong tương lai. Thế mạnh của mỳ ăn liền Indonesia là có nhiều hương vị rất phong phú. Xét về quy mô, Indonesia là nước sản xuất mỳ ăn liền đứng hàng đầu thế giới. Chỉ cần đến siêu thị Sogo ở thủ đô Jakarta là có thể hình dung được phần nào quy mô của ngành sản xuất mỳ ăn liền nước này. Tại đây có cả một gian rất lớn bày bán nhiều loại mỳ với đủ mùi vị khác nhau, bao bì rất sặc sỡ, hấp dẫn. Phần lớn mỳ ở đây đều do Indofood, một công ty trực thuộc tập đoàn Salim sản xuất.
Trước đây, nhờ vào các mối quan hệ của tập đoàn Salim với cựu Tổng thống Suharto, Indofood đã giành được thế độc quyền trên thị trường mỳ ăn liền do những ưu đãi trong việc nhập bột mỳ. Nhưng nay, việc nhập bột mỳ đã được nới lỏng và nhờ vậy nhiều nhà sản xuất khác của Indonesia đã có thể vào cuộc canh tranh khốc liệt với Indofood. Vì vậy, mặc dù có một kênh phân phối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, mì ăn liền của Indofood không thể giữ được vị trí độc tôn trên thị trường Indonesia.
Một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Indofood hiện nay là Alhami. Mỳ ăn liền nhãn hiệu Alhami hiện rất nổi tiếng ở Medan, thành phố lớn thứ ba của Indonesia. Thị trường mỳ ăn liền nước này đang tăng trưởng 4%/năm.
Việt Nam được xem là một trong những nước tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất ở châu Á và người tiêu dùng đang có xu hướng "đa dạng hóa khẩu vị". Người Việt Nam còn ưa chuộng cả khẩu vị Hàn Quốc. Nắm được thị hiếu này, công ty sản xuất mỳ ăn liền Thiên Hương năm qua đã tung ra thị trường 20 loại mỳ ăn liền khác nhau trong đó có cả các loại mỳ theo khẩu vị Hàn Quốc như mỳ hải sản, mỳ kim chi, mỳ gà... Miliket, đối thủ cạnh tranh chính của Thiên Hương, trong năm 2002 cũng đưa ra thị trường 10 loại mỳ ăn liền mới trong đó có mì cà ri gà và mỳ kim chi.
Bên cạnh các nhà sản xuất mỳ ăn liền có mặt lâu năm như Thiên Hương, Miliket, thị trường Việt Nam cũng đang ngày càng nóng lên với sự xuất hiện của các đại gia nước ngoài. Trong số này có Uni-President và Unilever. Uni-President đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam hồi cuối năm ngoái. Còn Unilever vừa mới gia nhập thị trường đầu năm nay với nhãn hiệu Knorr.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất mỳ quốc tế (IRMA), thị trường mỳ ăn liền châu Á hiện nay ước đạt giá trị 6 tỷ USD và đang ở mức tăng trưởng trung bình 8%/năm. Dự kiến thị trường này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2010.
(Theo FEER)