Người Mỹ sẽ không được ăn tôm với giá phải chăng. |
"Thực tế thì việc áp thuế như vừa qua là cơ hội để ngành đánh bắt tôm giành lại những gì đã mất. Nếu không có thuế, những nước xuất khẩu như Thái Lan và Ấn Độ lại tiếp tục bán hàng với giá thấp", Chủ tịch SSA Gordon nhấn mạnh. Ông Gordon lập luận, nếu các nhà nhập khẩu tôm Ấn Độ và Thái Lan bán với giá cao như trước thời điểm năm 2000, ngành tôm của họ sẽ có tiền để trải qua những khó khăn của thảm họa sóng thần và họ cũng không phải đối mặt với thuế chống bán phá giá hiện nay.
Giới quan sát cho rằng, SSA khi khơi mào cuộc chiến mới đã quên đi những nguyên lý cơ bản của thị trường tự do. Thông cáo của SSA phát đi đêm qua cũng lờ đi một thực tế là họ đi kiện nhằm được hưởng khoản tiền thuế theo tinh thần của Tu chính án Byrd. Cho đến lúc này, SSA cũng không dám thừa nhận một điều quan trọng là sản phẩm của họ kém sức cạnh tranh và họ cũng chưa đưa ra giải pháp nào để tăng năng lực cạnh tranh cho chính mình.
Ủy ban Đặc nhiệm về Tôm Mỹ - CITAC thì bình luận, trong cuộc chiến chống bán phá giá, chính người tiêu dùng Mỹ mới chịu thiệt thòi nhiều nhất bởi đã không được thưởng thức món ăn bổ dưỡng với giá phải chăng. Cuộc chiến giờ không phải là giữa ngành tôm Mỹ với 6 nước mà là cuộc tranh giành quyền lợi trong nội bộ Mỹ.
Trong phán quyết cuối cùng đưa ra hồi đầu tháng, Ủy ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ (USITC) cho biết cơ quan này sẽ xem xét lại thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan, những nước bị tàn phá nặng nề bởi thảm họa sóng thần vừa qua. Với tín hiệu này, ngành tôm Thái Lan đang hy vọng đưa được mức thuế về 0%.
Theo đánh giá của các quan chức Thái Lan, thảm họa sóng thần vừa qua đã gây ra thiệt hại đối với ngành công nghiệp tôm ước tính lên đến 500 triệu USD và làm chết trên 100 công nhân tại các trại nuôi tôm. Ngành công nghiệp tôm Thái phải mất ít nhất là 6 tháng để xây dựng các trại tôm giống mới và khôi phục lại các trại nuôi tôm. Thiệt hại trên có thể làm cho xuất khẩu tôm Thái giảm 75.000-80.000 tấn trong năm nay. Khoảng 300.000 trong tổng số 1 triệu công nhân ngành tôm có thể sẽ bị mất việc làm do hậu quả của sóng thần. Chính phủ Thái Lan đang cố gắng yêu cầu EU nối lại việc hưởng chế độ ưu đãi thuế quan, phổ cập hoặc được giảm thuế nhập khẩu sang các nước châu Âu cho nước này.
Dù không nằm trong danh sách bị kiện bán phá giá, Indonesia cũng đang vận động hành lang để Mỹ và EU cắt giảm thuế đối với mặt hàng tôm và cá ngừ xuất khẩu. Mỹ và EU gần đây đã đề xuất một số ưu đãi thương mại dưới dạng cắt giảm thuế nhập khẩu dành cho các nước châu Á bị ảnh hưởng bởi sóng thần. Indonesia là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với số người thiệt mạng trong trận sóng thần ở tỉnh Aceh và Bắc Sumatra lên tới trên 100.000 người. Indonesia hy vọng Mỹ sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng tôm và cá ngừ của nước này, từ mức 5-35% như hiện nay xuống còn 0-5%.
Song Linh