Hơn một thế kỷ trước, khi đại dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành tại Mỹ, khẩu trang vải đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại virus. Nhưng cũng giống như bây giờ, chiếc khẩu trang lúc đó đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường Mỹ. Khi giới chức y tế thời đó kêu gọi người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn virus cúm lây lan, không ít người vẫn kiên quyết kháng cự.
Năm 1918-1919, khi các quán bar, tiệm làm tóc, nhà hàng, rạp chiếu phim, trường học phải đóng cửa ngăn đại dịch cúm, khẩu trang đã trở thành mục tiêu bị người Mỹ trút giận. Nhiều người coi quy định đeo khẩu trang là biểu tượng cho sự lạm quyền của chính phủ, châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối trên khắp nước Mỹ. Trong lúc đó, dịch bệnh vẫn từng ngày cướp đi sinh mạng hàng nghìn người Mỹ.
Các ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng 3/1918 tại một căn cứ quân sự ở Kansas, nơi 100 binh sĩ đổ bệnh. Trong vòng một tuần, số ca nhiễm cúm tăng gấp 5 lần. Rất nhanh chóng, dịch bệnh lan ra toàn nước Mỹ, khiến hàng loạt thành phố phải ban hành lệnh cách ly và bắt buộc đeo khẩu trang.
Mùa thu năm 1918, các thành phố San Francisco, Seattle, Oakland, Sacramento, Denver, Indianapolis và Pasadena, đã ban hành luật bắt bắt buộc đeo khẩu trang, theo tiến sĩ Howard Markel, nhà sử học về dịch bệnh. Những hoạt động chống đối đeo khẩu trang có tổ chức không phổ biến nhưng xuất hiện rải rác, ông cho hay.
Đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp an toàn là San Francisco, nơi một người đàn ông trở về từ Chicago mang theo virus khiến dịch bệnh bùng phát. Đến cuối tháng 10/1918, toàn bang California ghi nhận 60.000 ca nhiễm cúm, trong đó 7.000 ca ở San Francisco.
"Sắc lệnh khẩu trang", được Thị trưởng James Rolph ký ngày 22/10, biến San Francisco thành thành phố Mỹ đầu tiên bắt buộc người dân che mặt khi ra đường, với vải che mặt phải dày ít nhất 4 lớp.
Những người phản đối khẩu trang cho rằng nó ảnh hưởng tới ngoại hình, sự thoải mái và tự do, ngay cả sau khi đại dịch đã giết chết khoảng 195.000 người Mỹ chỉ riêng trong tháng 10/1918.
Trong bài viết trên tờ Los Angeles Times ngày 22/10/1918, Alma Whitaker mô tả tác động của khẩu trang đối với xã hội và giới sao, cho biết những người nổi tiếng xa lánh chúng vì việc ra đường mà không ai nhận ra là điều "khủng khiếp" đối với họ.
"Cảnh tượng ở những nhà hàng lớn là khôi hài nhất. Phục vụ bàn và khách đều đeo khẩu trang. Khi muốn đưa thức ăn vào miệng, khách buộc phải kéo khẩu trang lên rồi lại che xuống", bà viết.
Khi Whitaker từ chối đeo khẩu trang, bà bị đưa tới Hội Chữ thập Đỏ, được yêu cầu tự làm một chiếc khẩu trang và đeo nó ngay lập tức.
Tờ San Francisco Chronicle cho hay kiểu khẩu trang đơn giản nhất là loại được làm bằng cách gấp băng gạc lại rồi cố định bằng dây chun hoặc băng dính. Cảnh sát thường xuyên tuần tra, giám sát việc đeo khẩu trang của người dân. Người vi phạm có thể bị phạt 5-10 USD hoặc ngồi tù 10 ngày.
Chỉ trong ngày 9/11/1918, khoảng 1.000 người bị bắt vì không đeo khẩu trang. Phòng chờ tại các nhà tù của thành phố chật cứng. Cảnh sát phải huy động thêm nhân lực và bổ sung ca làm việc để xử lý công việc.
Ngày 28/10, một thợ rèn tên James Wisser đứng trước một nhà thuốc gần ngã tư đường Powell và Market, San Francisco, kêu gọi đám đông vứt khẩu trang, gọi chúng là "rác rưởi".
Lúc bấy giờ, thanh tra y tế Henry D. Miller đi qua, và yêu cầu Wisser lập tức vào nhà thuốc mua khẩu trang. Tuy nhiên, Wisser đã phản kháng, quật ngã thanh tra Miller xuống đất. Miller nổ 4 phát súng trấn áp, khiến Wisser và hai người đi đường bị thương.
Wisser bị buộc tội gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ và hành hung. Thanh tra Miller bị buộc tội tấn công bằng vũ khí sát thương.
"Đeo hay không đeo khẩu trang" là tiêu đề một bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times sau khi giới chức thành phố họp vào tháng 11 để lấy ý kiến người dân, nhằm quyết định có nên bắt buộc áp dụng biện pháp phòng dịch này hay không.
Một số người ủng hộ đeo khẩu trang để rạp chiếu phim, nhà thờ và trường học có thể hoạt động. Người phản đối nói khẩu trang "là chiếc bẫy hút bụi bẩn lợi bất cập hại".
"Tôi đã chứng kiến nhiều người treo lủng lẳng khẩu trang trên cổ rồi thỉnh thoảng mới che chúng lên mặt, quên rằng khẩu trang có thể dính bẩn trong lúc họ không đeo chúng", tiến sĩ E.W. Fleming viết trên tờ Los Angeles Times.
Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở San Francisco hết hạn vào ngày 21/11 sau 4 tuần áp dụng. Thành phố ăn mừng, chuông nhà thờ reo.
Một người cởi bỏ khẩu trang nhanh đến nỗi dây khẩu trang "suýt cắt đứt tai anh ta", theo San Francisco Chronicle. Đám đông sung sướng giẫm lên khẩu trang trên phố. Hầu hết mọi người đều để mặt trần ra đường. Đồ uống được phục vụ miễn phí tại các nhà hàng, quán bar như một cách để chúc mừng. Vỉa hè rải rác băng gạc, di tích "của một tháng tra tấn".
Virus bước đầu được kiểm soát nhưng sóng lây nhiễm thứ hai đang chờ bùng phát. Tháng 12/1918, giới chức San Francisco một lần nữa đề xuất ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, song bị phản đối kịch liệt. Một quả bom được phát hiện bên ngoài văn phòng của giám đốc sở y tế San Francisco, tiến sĩ William C. Hassler.
Đến cuối năm 1918, số người chết vì dịch cúm Tây Ban Nha đã tăng lên gần 245.000, chủ yếu trong 4 tháng cuối năm, theo số liệu thống kê từ chính phủ.
Tháng 1/1919, ủy ban thành phố Pasadena thông qua một sắc lệnh bắt buộc đeo khẩu trang. Cảnh sát miễn cưỡng thi hành nó. 66 người bị bắt trong ngày đầu lệnh được ban hành.
"Đây là luật không được ủng hộ nhất trong lịch sử Pasadena", cảnh sát trưởng W.S. McIntyre nói với báo Los Angeles Times. "Chúng tôi bị tất cả mọi người nguyền rủa".
Một số người chế nhạo luật khẩu trang bằng cách dán băng gạc lên ống xả xe hơi hay mõm chó. Người bán thuốc lá phàn nàn vì sụt giảm lượng khách. Thợ cắt tóc mất công việc cạo râu. Cánh tài xế sụt giảm thu nhập vì nhiều người ở nhà, không ra đường.
Quyết định tái áp đặt lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại San Francisco dẫn tới sự ra đời của Liên minh Chống Khẩu trang, một dấu hiệu cho thấy tâm lý kháng cự đang dần trở nên phổ biến.
Số người chết vì dịch bệnh có xu hướng tăng trở lại. 5 ngày đầu tháng 1/1919, thành phố ghi nhận 1.800 ca nhiễm và 101 trường hợp tử vong.
"Khẩu trang đã trở thành một biểu tượng chính trị", Brian Dolan, nhà sử học y khoa tại Đại học California, San Francisco, bình luận.
Ngày 25/1/1919, Liên minh Chống Khẩu trang tổ chức cuộc họp đầu tiên, mở cửa cho công chúng tham gia. Tại đây, họ thống nhất đệ đơn yêu cầu chính quyền bãi bỏ sắc lệnh khẩu trang, kiến nghị thị trưởng và các quan chức y tế thành phố phải từ chức.
Họ lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy khẩu trang phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh và hành động ép buộc người dân che mặt là vi hiến.
Ngày 27/1, Liên minh Chống Khẩu trang biểu tình tại một cuộc họp của ủy ban thành phố. Ngày 1/2, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang được hủy bỏ khi Thị trưởng Rolph cho biết số ca nhiễm virus có chiều hướng giảm.
Nhưng sóng lây nhiễm thứ ba lại bùng phát vào cuối năm 1919. Số ca tử vong vì dịch bệnh lên tới 675.000 trên cả nước. Tại San Francisco, cứ 1.000 người lại có 30 người chết vì cúm Tây Ban Nha, biến nơi đây trở thành một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)