Sáng 24/2, khi xe tăng của Nga tiến vào biên giới Ukraine, trên không gian mạng, các kỹ sư của hãng bảo mật Symantec và ESET cũng nhanh chóng phát hiện môt cuộc tấn công bằng mã độc xóa dữ liệu, nhắm đến nhiều tổ chức tài chính và nhà thầu của chính phủ nước này. "Đây có thể là cuộc tấn công mạng đã được chuẩn bị từ trước. Hàng trăm thiết bị hoạt động trên không gian mạng Ukraine đồng loạt được phát hiện nhiễm malware nói trên", ESET nói với Bleeping Computer.
Ngay sau đó, các hacker ngầm bắt đầu được huy động. "Cộng đồng mạng Ukraine! Đã đến lúc tham gia công cuộc phòng thủ không gian mạng của đất nước chúng ta", Yegor Aushev, đồng sáng lập Cyber Unit Technologies, công ty an ninh mạng ở Kyiv, viết trên diễn đàn hacker hôm 24/2. Aushev nói với Reuters rằng thông điệp được đăng theo yêu cầu của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine. Lời kêu gọi này được cho là đã thu hút ít nhất 500 hacker tình nguyện tham gia.
Theo Daily Swig, Ukraine không đơn độc trong cuộc đấu trên Internet. Margiris Abukevičius, Bộ trưởng Quốc phòng Litva, cho biết các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý kích hoạt đội phản ứng nhanh trên không gian mạng (CRRT) để hỗ trợ Ukraine, xây dựng khả năng phục hồi và ứng phó sự cố trên mạng.
Rạng sáng 25/2, trang Twitter @YourAnonNews với hơn 6,5 triệu người theo dõi cho biết nhóm Anonymous cũng đã tuyên chiến với Nga. Ít giờ sau, nhóm thông báo đã khiến hàng loạt website của Nga bị đánh sập, trong đó có các nhà cung cấp mạng Internet như PTT-Teleport Moscow, Relcom, Sovam Teleport và Com2Com. Ngày 26/2, Anonymous khẳng định đã tấn công website Bộ Quốc phòng Nga và đánh cắp dữ liệu như số điện thoại, email, mật khẩu đăng nhập tài khoản của một số quan chức và đường link tải cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nội dung đã bị xóa vì vi phạm chính sách và các chuyên gia bảo mật cũng chưa thể xác định tính xác thực của thông tin.
Giới bảo mật nhận định, bất kỳ cuộc tiến công nào của Nga vào Ukraine đều có khả năng đi kèm các cuộc tấn công mạng nhằm vào viễn thông và cơ sở hạ tầng khác cũng như thực hiện những chiến dịch thông tin.
Ngày 24/2, báo cáo từ Dự án Phát hiện và Phân tích Sự cố mất Internet (IODA) tại Georgia Tech cho biết việc mất điện ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã ảnh hưởng trực tiếp đến dịch vụ Internet của Triolan - nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông phổ biến ở Ukraine. Trong thông báo ngày 24/2, Triolan khuyến cáo khách hàng về khả năng bị mất kết nối Internet trên toàn thành phố Kharkiv. Đến 26/2, nhiều người cũng phản ánh tình trạng mất mạng ở nhiều nơi, trong đó có thủ đô Kiev.
Tin giả trên mạng xã hội
Theo El Pais, ngoài chống lại tấn công mạng, Ukraine còn phải đối phó với các thông tin sai lệch trên Internet. Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, đánh giá: "Về cơ bản đây là một cuộc chiến ảo, tồn tại trong không gian công nghệ thông tin".
Trên khắp các mạng xã hội, tin tức, hình ảnh, video về tình hình ở Ukraine đang được phát đi. Các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp này, Internet là con dao hai lưỡi. "Bất kỳ ai cũng có thể tạo và chia sẻ các video giả bằng cách lồng ghép tiếng súng được tải về từ Internet. Khi tin giả được lan truyền khắp mạng xã hội như TikTok, Reddit, Twitter, chúng có thể trở thành cái cớ cho những diễn biến quân sự ngoài đời thực", El Pais nhận định.
Trong ngày 24 và 25/2, hàng chục video livestream trên Facebook Gaming có chứa các cảnh quay quân sự, được mô tả là "cuộc tấn công trực tiếp của Nga vào Ukraine", nhưng thực ra là nội dung được cắt từ trò chơi Arma 3. Theo ghi nhận của Bloomberg, có khoảng 90 video về Arma 3 xuất hiện trên Facebook Gaming trong hai ngày qua với tiêu đề chiến sự tại Ukraine. Nhiều video đạt hơn 50.000 lượt xem, thậm chí có lúc lên đến 110.000 lượt xem và 25.000 lượt chia sẻ trước khi bị xoá.
Một video khác được chia sẻ trên Twitter và YouTube cũng nhận tổng cộng hơn một triệu lượt xem. Theo mô tả, video nói đến một máy bay phản lực của Nga bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine. Dù vậy, BBC cho biết đây là máy bay của Libya bị phiến quân bắn rơi năm 2011.
Liubov Tsybulska, người sáng lập Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin Ukraine, cũng cảnh báo đang có nhiều nội dung gây hoang mang và không đúng sự thật trên Telegram. "Nếu mở các bình luận, bạn sẽ thấy nhiều hình ảnh khủng khiếp như xác chết, tra tấn... Telegram không có cơ chế can thiệp điều này và nó rất nguy hiểm", Tsybulska nói.
Trong khi đó Keith Alexander, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, chia sẻ trên Financial Times rằng an ninh mạng là yếu tố nhiều rủi ro. Cuộc chiến Internet ở Ukraine không chỉ có ảnh hưởng tại quốc gia này mà còn gây ra mối đe doạ cho hệ thống an ninh mạng toàn cầu.
Khương Nha