"Chúng tôi tha thiết yêu cầu mọi người ngừng đăng ảnh, video về việc vận chuyển thiết bị và địa điểm quân sự Ukraine lên mạng. Những hành động này đang giúp kẻ thù có được thông tin chính xác về quân đội của chúng ta", bà Hanna Maliar, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, nêu trong tài khoản Facebook cá nhân hôm 25/2. Bài viết nhận được 4,2 nghìn lượt thích, 3 nghìn lượt chia sẻ. Ảnh chụp màn hình dòng cảnh báo của bà Maliar cũng được lan truyền khắp các mạng xã hội từ Twitter, Reddit đến TikTok.
El Pais đánh giá, bên cạnh xung đột đang diễn ra ngoài đời thực, Ukraine còn phải đối mặt một cuộc chiến trên Internet. Bằng cách sử dụng mã nguồn mở, phân tích thời gian, vị trí của ảnh chụp đăng lên mạng xã hội, cơ quan tình báo đối phương có thể biết được đội quân nào đang được triển khai ở đâu, có những phương tiện nào.
Theo Telegraph, hình ảnh những người lính diễu hành vào trận chiến, những cuộc tấn công tên lửa xuống các thành phố đang tràn ngập trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok - ứng dụng video phổ biến nhất thế giới dành cho giới trẻ. Thậm chí, những nhà nghiên cứu chiến tranh cũng dùng những video trên mạng xã hội để sử dụng trong các báo cáo, nghiên cứu của mình về những gì đang diễn ra.
Rob Lee tại Đại học King's College London nói với Telegraph: "Bạn có thể thấy bất kỳ thiết bị nào binh lính đang mang theo. Chúng ta đang chứng kiến những lúc họ đánh nhau, phá hủy phương tiện một cách rõ ràng. Rất nhiều nội dung được phát trực tuyến hoặc đăng trong vòng một hoặc hai giờ thậm chí cả ngày. Chúng ta gần như xem xung đột diễn ra trong thời gian thực".
Một trong những tài khoản TikTok đang nằm trên "top thịnh hành" là Alexhook thường xuyên xuất hiện trong trang phục của lính Ukraine với vũ khí trên tay và chia sẻ các video chiến trường. Nội dung video cũng phong phú, từ hình ảnh chiến hào, tuyên bố của binh sĩ cho đến hình ảnh họ cầm vũ khí và nhảy theo nhạc đều thu hút hàng chục triệu lượt. Trong khi trước đó, những video đời thường người này chia sẻ chưa có đến 100.000 lượt xem.
Tuy nhiên, NBC cũng cảnh báo những cảnh quay, video phát trực tiếp trên mạng xã hội về xung đột ở Ukraine có thể là giả và gây ra những cái nhìn sai lệch. Phát ngôn viên của TikTok cho biết họ phải tăng cường lực lượng kiểm soát để hạn chế những video giả mạo, kích động bạo lực thậm chí lừa đảo, kêu gọi khuyên góp từ việc phát video trực tuyến.
Khương Nha