Trở về nhà sau một ngày làm việc, mẹ của Ruoxi trông thấy con gái nằm trên sofa thút thít khóc. Ruoxi bị sốt, không muốn ăn tối và khăng khăng ngày mai không đi học.
Ruoxi sợ vì bị cô giáo phê bình và dọa đuổi học do kết quả bài kiểm tra tiếng Trung chưa tốt. Cô bé học chăm chỉ, ngày nào cũng đến 21h mới nghỉ, nhưng kết quả thi không cao như các bạn cùng lớp 1. Bị cô giáo mắng, Ruoxi thấy bất lực.
Vài năm sau, trong một buổi thảo luận về trẻ mắc chứng khó đọc (dyslexia), mẹ của Ruoxi buồn rầu khi nhắc tới trải nghiệm của con gái.
![Ruoxi là một trong ba nhân vật chính trong bộ phim tài liệu nói về những thách thức của những đứa trẻ is one of the three protagonists featured in The Chosen One, a TV documentary about the challenges children with dyslexia and their parents face. [Photo provided to China Daily]](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/06/b1-5132-1615009887.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=95dNZJ5zUO56YlRZTEpvXg)
Ruoxi là một trong ba nhân vật chính trong bộ phim tài liệu nói về những khó khăn của những đứa trẻ gặp hội chứng dyslexia và bố mẹ chúng phải đối mặt. Ảnh: China Daily.
Câu chuyện của Ruoxi được kể lại trong phim tài liệu The Chosen One, nói về cuộc chiến của ba đứa trẻ mắc chứng khó đọc và gia đình các em, do Trung tâm tài liệu của Đại học Sư phạm Bắc Kinh phối hợp Trung tâm Phim tài liệu của China Media Group sản xuất, phát sóng hồi tháng 1.
Bộ phim nhận được 9,4/10 điểm trên trang đánh giá Douban. Ngoài Ruoxi, hai nhân vật khác xuất hiện trong phim gồm Xiaoxiao và Qunxiao. Ba gia đình này được lựa chọn từ 10 trường hợp mà Đại học Sư phạm Bắc Kinh gợi ý.
Các đạo diễn Li Ruihua và Fan Qipeng biết đến dyslexia năm 2017 khi nói chuyện với giáo sư Li Hong ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Cả hai biết rằng có tới 15% trẻ em ở một số nước nói tiếng Anh gặp tình trạng ấy và tỷ lệ này ở Trung Quốc là 5-8%. Sau khi nghe về một số trường hợp, họ quyết định thực hiện bộ phim tài liệu, với mục đích nâng cao sự hiểu biết của mọi người về dyslexia.
Theo giáo sư Li Hong, dyslexia là tình trạng đứa trẻ có IQ bình thường nhưng gặp khó khăn về đọc hiểu và đánh vần. "Những người sinh ra đã gặp tình trạng dyslexia thường rất khó để điều trị. Chúng ta chỉ có thể đưa ra giải pháp can thiệp để giảm sự ảnh hưởng", giáo sư nói.
Do nhận thức về dyslexia ở Trung Quốc còn thấp, những đứa trẻ gặp tình trạng khó đọc thường bị gán mác "lười biếng" hoặc "dốt". Chúng hay bị bạn bè chế giễu, giáo viên quát mắng, còn bố mẹ lo lắng. Ngôi sao nhạc Pop Xiao Jingteng mắc dyslexia, từng viết trong tự truyện: "Đôi lúc, với những người như tôi, sự hiểu lầm của người khác còn có hại hơn cả rắc rối này mang lại".

Xiaoxiao luôn cảm thấy mất tự do khi bị mẹ kèm cặp nghiêm khắc. Ảnh: China Daily.
The Chosen One gồm ba tập, tập đầu nói đến một Xiaoxiao nổi loạn, muốn được thoát khỏi sự nghiêm khắc của mẹ. Tập hai nói tới sự căng thẳng của Qunxiao khi bị kỷ luật ở trường và tập cuối là nỗ lực vượt qua khó khăn của gia đình Ruoxi.
Quá trình quay phim, đạo diễn Fan ấn tượng với những nỗ lực của phụ huynh trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng con. Anh kể mẹ của Xiaoxiao thường tổ chức nhiều hoạt động như mời bạn bè cùng lớp của con và phụ huynh tham dự. Nhờ đó, những người xung quanh Xiaoxiao không hiểu nhầm hay cười cậu bé.
Trong khi đó, bố mẹ của Qunxiao nghiên cứu thông tin trên mạng về dyslexia, trong đó có nhiều tài liệu do nhà tâm lý học Shu Hua viết. "Họ đã gửi mail cho Shu, nhờ giúp đỡ. Shu đã có những lời khuyên cho Qunxiao. Bố mẹ cậu bé không chỉ ngồi đợi mà đã cố gắng hiểu để giúp con mình", Fan cho hay.
Chuyên gia tâm lý học Shu Hua cho rằng giai đoạn khó khăn nhất là khi đứa trẻ học tiểu học. "Nếu chúng ta giúp trẻ vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi chúng trưởng thành. Lúc ấy, các con sẽ tự tìm ra cách vượt qua vấn đề của mình", Shu nói.

Qunxiao được đón nhận ở trường nhờ sự giúp đỡ, đồng hành của bố mẹ. Ảnh: China Daily.
Các phụ huynh có con mắc chứng khó đọc thường bất an về việc giáo dục của trẻ trong một xã hội hiện đại. "Dường như có một nỗi lo chung về giáo dục. Bố mẹ lo con không được điểm tốt nên cố gắng thúc giục chúng học chăm hơn. Nỗi lo của phụ huynh, cùng với chứng khó đọc khiến trẻ dễ tổn thương và thất bại trong một hệ thống giáo dụng đào tạo theo định hướng thi cử", Fan nhận định.
Khi những lo lắng như vậy khó để giải quyết, việc tốt nhất cần làm là chấp nhận. "Không ai hoàn hảo nhưng mỗi người chúng ta là duy nhất. Cuối mỗi ngày, chúng ta cần chấp nhận sự thật mình không hoàn hảo và bọn trẻ cũng vậy", đạo diễn Li Ruihua nói.
Bình Minh (Theo China Daily)