Ngày mua sắm Lễ độc thân được Alibaba tạo ra năm 2009 và dần biến thành sự kiện mua sắm phổ biến tại Trung Quốc. Hiện tại, doanh số bán hàng trong dịp này còn vượt cả Black Friday và Cyber Monday cộng lại. Các số liệu trong sự kiện này còn được coi là hàn thử biểu cho sức mua của người tiêu dùng.
Năm nay, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức, hàng loạt hãng thương mại điện tử tại Trung Quốc đã nghĩ ra nhiều slogan hấp dẫn để thúc đẩy doanh số. Alibaba là "Ngày trùng 11/11, giá rẻ mỗi ngày", JD là "Rẻ thực sự" và Pinduoduo là "Giá rẻ thực sự mỗi ngày".
"Nhìn chung, cuộc chiến giá đang ở giai đoạn khốc liệt nhất trên khắp các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc", các nhà phân tích tại Citi cho biết trong một báo cáo tuần trước. Dù vậy, họ cho rằng ngày này sẽ "im ắng" do kinh tế năm nay kém thuận lợi và người dân chi tiêu thận trọng hơn.
Alibaba, với hai nền tảng là Taobao và Tmall, thông báo sẽ bán hơn 80 triệu sản phẩm với giá "rẻ nhất năm nay" trong đợt này. Họ đã bắt đầu giảm giá từ ngày 24/10.
JD thì giảm 50% với nhiều đồ điện tử và cho khách hàng cơ hội mua các món đồ bán chạy nhất với giá 1 nhân dân tệ (0,14 USD).
Sự kiện năm nay sẽ là lớn nhất kể từ khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid cuối năm ngoái. Bắc Kinh từng kỳ vọng tái mở cửa sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu giảm và đầu tư vào cơ sở hạ tầng không tạo ra lợi nhuận như mong muốn.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ tỷ lệ thất nghiệp cao đến mức thu nhập giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ lên kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Tăng trưởng lương cũng ì ạch, khiến thu nhập khả dụng giảm theo.
Vì thế, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Để thu hút họ, các nền tảng thương mại điện tử phải đưa ra mức giá "sập sàn" trong ngày 11/11.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này còn thấp hơn năm 2019 - khi đại dịch chưa xuất hiện.
"Dù chính phủ Trung Quốc muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào tiêu dùng, chi tiêu lại bị kìm hãm bởi thu nhập không tăng mạnh và niềm tin tiêu dùng yếu", Louis Kuijs - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại S&P Global Ratings cho biết.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản - chiếm 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc - càng bó hẹp túi tiền của họ. "Nhìn triển vọng trên thị trường bất động sản, anh sẽ thấy niềm tin phải mất một thời gian nữa mới phục hồi", Kujis cho biết
Cuộc chiến giá trong dịp Lễ độc thân cũng phản ánh cạnh tranh khốc liệt trong mảng thương mại điện tử ở Trung Quốc. "Cạnh tranh đang ngày càng gay gắt, vì phụ thuộc vào tâm lý của người tiêu dùng", Jacob Cooke - đồng sáng lập kiêm CEO hãng tư vấn WPIC Marketing + Technologies cho biết.
Dù vậy, các nhà phân tích cũng không chắc chắn liệu giá thấp đã đủ thu hút người mua hay chưa. Một khảo sát công bố đầu tuần này của Bain and Company cho thấy người Trung Quốc dự định chi ít tiền hơn hoặc bằng năm ngoái trong dịp 11/11 năm nay. "Chỉ khoảng 53% cho biết họ hào hứng với ngày này, so với 76% năm 2021", báo cáo viết.
"Tôi chi 250.000 nhân dân tệ (34.300 USD) trên Pinduoduo năm ngoái, nhưng chỉ chi 80.000 nhân dân tệ năm nay", một người Trung Quốc cho biết trên mạng xã hội. Dịp 11/11 năm nay, cô nói rằng mình còn chưa mua sắm gì.
Dù vậy, không phải tất cả người mua đều giảm chi. Cooke cho biết "lượng lớn" tầng lớp trung lưu và thượng lưu quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao sức khỏe và lối sống. Ví dụ, mặt hàng vitamin, quần áo thể thao, sản phẩm chăm sóc thú cưng và thậm chí là sản phẩm xa xỉ đang tăng trưởng nhanh.
Nike ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong ba tháng 6,7,8. "Thể thao đã quay lại tại Trung Quốc. Anh có thể cảm nhận rõ điều đó", CEO Nike John Donahoe cho biết.
Lululemon cũng chứng kiến doanh thu tại Trung Quốc tăng 61% trong quý II năm nay, cao hơn nhiều so với mức tăng chung là 18%. Starbucks còn ghi nhận quý III có doanh thu kỷ lục, nhờ thị trường Trung Quốc.
Hà Thu (theo CNN)