Giữa một ngày mưa phùn lạnh, Evhen Lomsky tập tễnh chống nạng gần lối ra một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Kiev, trên người đeo tấm bảng ghi "tôi đói". Người đàn ông 48 tuổi này cụt chân phải do giẫm phải mìn trong lúc hành quân ở tỉnh Donetsk ngày 17/9/2023.
"Chúng tôi khi đó đang trên đường hành quân lúc trời bắt đầu chạng vạng", Lomsky, đến từ thành phố Mariupol, nhớ lại. "Tôi bất ngờ nghe thấy tiếng nổ và thấy chân mình bị thương".
Tại bệnh viện, các bác sĩ phẫu thuật gắp mảnh văng và cưa phần cẳng chân phải để ông lắp chân giả trong tương lai. Lomsky trở thành một phế nhân, xuất viện hồi giữa tháng 7 và giờ đây phải ăn xin trên đường phố Kiev để kiếm sống.
Hàng trăm nghìn quân nhân Ukraine xuất ngũ với những thương tật như Lomsky đang rơi vào một cuộc chiến mới. Lần này, họ phải đấu tranh với sự quan liêu của giới chức để được công nhận là "cựu chiến binh" và nhận các khoản trợ cấp, phúc lợi.
Sau khi Nga bắt đầu mở chiến dịch cuối tháng 2/2022, hệ thống tuyển quân và cơ sở y tế Ukraine dành cho cựu binh bị quá tải, không thể xử lý kịp hồ sơ cho các trường hợp xuất ngũ mới. Trở ngại hành chính kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm khiến quân nhân Ukraine xuất ngũ không được công nhận là cựu binh để nhận phúc lợi, như miễn thuế, trợ giá tiện ích hay chăm sóc y tế miễn phí.
"Chúng tôi có một triệu người trong quân ngũ và 40.000 người được hưởng chế độ cựu binh", ông Vitaly Deinega, cựu thứ trưởng quốc phòng Ukraine, nói hồi tháng 7/2023. "Quy trình xin chứng nhận cựu binh khó khăn đến mức khiến nhiều người không còn thiết tha phục vụ đất nước".
Sau các nỗ lực chấn chỉnh, cải tổ tại Bộ Quốc phòng Ukraine, quy trình này đã được số hóa và tinh giản, nhưng vẫn "như một cuộc chiến" với nhiều quân nhân xuất ngũ.
"Những trường hợp như vậy rất nhiều", Volodymyr, luật sư của Lomsky, cho hay. "Họ đã cầm vũ khí chiến đấu và giờ đây lại phải đối mặt bộ máy quan liêu để đòi những gì họ xứng đáng được hưởng".
"Khi đã xuất ngũ, không ai quan tâm đến tôi nữa", Dmitry, 38 tuổi, cựu lính bộ binh bị thương ở lưng và cột sống trong một đợt oanh tạc của lực lượng Nga, nói.
Khi gần kết thúc điều trị tại bệnh viện ở tây Ukraine, Dmitry đã trao đổi với chuyên gia trị liệu, cũng là cựu binh, và được cảnh báo về những khó khăn nếu muốn dùng mã đặc biệt để đăng ký tiếp tục điều trị.
Andriy Movchun từng là bác sĩ quân y, giúp đưa hàng chục thương binh từ chiến trường đến bệnh viện thành phố Dnipro. "Nhiều người đã chết trên tay tôi", Movchun kể lại với đôi mắt đờ đẫn, tay run rẩy. Người đàn ông 44 tuổi được chẩn đoán mắc hậu chấn tâm lý và cần phải cắt bỏ một khối u ác tính.
Sau nhiều tháng bị các phòng khám ở Kiev từ chối tiếp nhận, Movchun đã quyết định đến Áo, nơi mẹ ông được cấp phép tị nạn. Bà đã tìm cách giúp con trai được phẫu thuật miễn phí.
Nhưng Dmitry và Andriy ít nhất vẫn được công nhận là cựu binh và có trợ cấp.
"Nhiều quân nhân thậm chí còn không nhận đủ giấy tờ khi xuất ngũ", văn thư tại một đơn vị ở miền đông Ukraine nói. "Đơn vị của họ không nộp giấy tờ đúng hạn, hoặc họ không có đủ thời gian để xin cấp giấy tờ".
Một số cựu quân nhân còn không thể chứng minh mình từng ở tiền tuyến, vì chỉ huy không đề cập đến hoạt động của họ trong nhật ký tác chiến. Trong những trường hợp khác, nhiều đơn vị tuyển dụng văn thư thiếu kinh nghiệm, không nắm rõ hệ thống báo cáo và lưu trữ hồ sơ của binh sĩ.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vấn đề Lomsky gặp phải. Tên ông trong giấy xuất ngũ do đơn vị A1314 cấp bị ghi sai chính tả. Đơn vị này không có hòm thư điện tử hay website, không công bố số điện thoại liên hệ.
"Tôi không biết đơn vị này tương tác với thế giới bên ngoài thế nào, nhưng rõ ràng đã tạo ấn tượng rằng họ cố tình làm vậy để gây bất tiện", theo luật sư Volodymyr.
Sau hơn chục lần đề nghị, lỗi chính tả trong tên của Lomsky vẫn chưa được sửa. và kiện Bộ Quốc phòng Ukraine đang là cách duy nhất để giải quyết. "Lập trường của họ là 'chúng tôi không nợ anh điều gì, nếu bất mãn, hãy ra tòa'", ông Volodymyr nói.
Lomsky phải chờ ba tháng mới nhận được phản hồi từ ủy ban quốc hội Ukraine về vấn đề cựu binh. Ủy ban thông báo "đã chuyển kiến nghị của Lomsky cho đơn vị khi ông còn tại ngũ để điều tra". Và đây cũng là phản hồi duy nhất Lomsky nhận được.
Roman Litvin, thành viên tổ chức chống tham nhũng Stop Corruption chuyên hỗ trợ cựu binh, trụ sở ở Kiev, đã liên hệ với Lomsky để tìm hiểu tình cảnh của ông.
"Ông ấy cảm thấy bị bỏ rơi. Đơn vị đó cứ lần lữa và tránh né, trong khi ông ấy thương tật, di chuyển khó khăn", Litvin nói. "Không ai hướng dẫn các bước tiếp theo. Ông ấy không biết làm gì và cảm thấy như bị cướp đoạt".
Do lực lượng Nga đang kiểm soát Mariupol, Lomsky đã chuyển đến sống tại ngoại ô Kiev, thuê phòng trong nhà của một người đàn ông khuyết tật lớn tuổi, bị nhiễm xạ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
"Chủ nhà cảm thấy không khỏe và muốn tôi chuyển đi", Lomsky nói. "Nhưng tôi không biết đi đâu. Tôi đang cố gắng kiếm tiền thuê nhà".
Như Tâm (Theo Reuters, Al Jazeera)