Cuối tháng 12, Hoài Thu, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm TP HCM, lần đầu trải nghiệm việc đăng ký tín chỉ. Được anh chị khóa trước cảnh báo về việc nghẽn mạng, lỗi website, Thu chuẩn bị cả laptop (máy tính xách tay) và điện thoại, kiểm tra mạng internet để sẵn sàng cho "cuộc đua".
Nữ sinh dễ dàng đăng ký các môn chuyên ngành do ít người cạnh tranh, nhưng "đại cương thì đúng là cuộc chiến". Đây là những môn học mà tất cả sinh viên của trường có thể đăng ký. Đúng 8h sáng ngày 21/12 theo lịch được thông báo, Thu truy cập mục đăng ký học phần trên website của trường nhưng chỉ thấy trống trơn. Trang nhiều lần báo lỗi do nhiều người truy cập hoặc không vào được, Thu phải cập nhật liên tục bằng cả điện thoại và laptop. Chờ đến hơn 12h, Thu mới đăng ký được những môn mình cần. "Mất cả buổi sáng chầu chực chỉ để 'canh' tín chỉ", Thu nói, cho biết mình vẫn may mắn vì nhiều bạn cũng mất 4-5 tiếng đồng hồ nhưng không đủ số môn cần thiết, có thể phải ra trường muộn.
Thùy Dung, sinh viên năm thứ ba một trường khối kinh tế tại Hà Nội, cũng từng mất 8 tiếng để đăng ký tín chỉ. Trường của Dung thường mở cổng đăng ký vào 19h, tuy nhiên, hệ thống thường "sập" trong 10-15 phút đầu tiên.
Trong lần đầu đăng ký, Dung không thể chọn đủ số tín chỉ cần học. Nữ sinh ôm máy tính cả buổi tối, hy vọng có sinh viên khác hủy học phần. Cuối cùng, đến tận ba giờ sáng, Dung mới đăng ký đủ. "Quá mệt mỏi. Cứ hôm nào đăng ký tín chỉ xong là hôm sau em đi muộn hoặc nghỉ học", Dung nói. Theo nữ sinh, ngoài việc đăng ký đủ số lượng như mong muốn, sinh viên còn muốn chọn được "giờ đẹp", tức ca học phù hợp với nhu cầu và giảng viên yêu thích.
Theo một số sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, thường mỗi lớp có 50 suất học, số lớp một số môn học lại rất hạn chế, nên nếu "chậm chân", sinh viên chỉ có cách gom đủ nhóm 20 người rồi đề xuất phòng đào tạo mở lớp, hoặc đợi sang kỳ sau để đăng ký lại. Ngoài ra, không phải lúc nào những môn mà sinh viên muốn học ở thời điểm đó cũng được mở.
Việt Nam thí điểm đào tạo tín chỉ từ năm 1993 và bắt đầu mở rộng từ năm 2005. Đặc điểm của hình thức đào tạo này là kiến thức được cấu trúc thành module (học phần), người học theo từng học phần (đơn vị tính là tín chỉ), đạt đến trình độ nào được công nhận đến trình độ ấy. Do đó, sinh viên được chủ động chọn môn và lớp phù hợp với mong muốn, miễn là tích lũy đủ số tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp. Sinh viên có thể rút ngắn thời gian học đến một năm.
Cả nước hiện có khoảng 240 trường đại học và "gần như tất cả" có hình thức đào tạo theo tín chỉ, theo TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Nha Trang.
TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing, nhận định tình trạng quá tải, nghẽn mạng khi đăng ký tín chỉ diễn ra ở nhiều trường, nhất là những trường đông sinh viên.
Tại trường Đại học Tài chính - Marketing, ông Đạo cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng website vẫn lỗi khi nhiều sinh viên truy cập cùng lúc. Trường phải phân luồng, chia thời gian đăng ký tín chỉ, thường thì sinh viên năm cuối hoặc chưa tốt nghiệp đúng hạn đăng ký chung đợt, còn lại mỗi khóa một lịch. Sau thời gian này, sinh viên có thêm một tuần để bổ sung hoặc hủy tín chỉ đã đăng ký trước. Dù vậy, ông Đạo nói khó đáp ứng nhu cầu của tất cả. "Trường đầu tư chi phí hàng năm để nâng cấp hệ thống nhưng chưa cải thiện đáng kể, nhiều sinh viên không nhớ lịch, đăng ký vào thời điểm của khóa khác, nên số người truy cập cùng lúc vẫn vượt dự tính", ông Đạo nói.
Học viện Ngân hàng, cũng chia các đợt đăng ký tín chỉ theo từng khóa để tránh nghẽn mạng. TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết mỗi đợt đăng ký của trường thường kéo dài 1-2 ngày và giới hạn số tín chỉ. Ví dụ, để học đủ môn của học kỳ này, sinh viên cần đăng ký 15 tín chỉ, thì Học viện đặt mức tối đa là 18 tín chỉ để ngăn việc một số sinh viên giữ chỗ, đăng ký lên 30 tín chỉ, trong khi nhiều bạn không đủ số tín chỉ cần thiết. Sau khi kết thúc đợt đăng ký đầu tiên, Học viện Ngân hàng sẽ mở đợt bổ sung cho những sinh viên quên, đăng ký thiếu hoặc muốn học vượt. Sinh viên còn có thể đề xuất mở lớp môn mình cần học, nếu đủ số lượng, trường sẽ đáp ứng.
PGS.TS Phan Hồng Hải, hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP HCM, cho biết phải đầu tư số tiền "không nhỏ" để nâng cấp hệ thống phần mềm, quản trị, bảo mật thông tin. Theo ông, trước đây khi hơn 35.000 sinh viên cùng đăng ký tín chỉ, website thường quá tải, một số thời điểm bị "sập". "Sau khi nâng cấp, sinh viên có thể đăng ký thoải mái mà không còn tình trạng nghẽn, lỗi", ông Hải nói.
TS Trần Mạnh Hà nói ngoài trách nhiệm của trường, sinh viên cũng cần hiểu về chương trình học để đăng ký tín chỉ cho phù hợp. "Mỗi học kỳ sẽ có một số môn cần học, cùng là chuyên ngành hoặc đại cương nhưng môn A phải học trước môn B, cũng như lượng tín chỉ tối thiểu", ông Hà ví dụ.
Theo ông Hà, các trường luôn chuẩn bị chỗ học để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Không có chuyện các trường lại mở ít chỗ học hơn tổng sinh viên, bởi chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào được đưa ra dựa trên năng lực đáp ứng của trường, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Do đó, sinh viên không nhất thiết phải cùng truy cập vào thời điểm mở cổng đăng ký vì sợ mất chỗ. Việc này khiến hệ thống quá tải, các em cũng mất nhiều thời gian đăng ký tín chỉ hơn.
Ông Hà cũng khuyên sinh viên không nên đăng ký nhiều hơn khả năng học tập thực của mình, còn gọi là giữ chỗ. Ví dụ kỳ này học 6 môn, nhưng một sinh viên đăng ký 9-10 môn, sau đó hủy. Việc này ảnh hưởng tới những người có nhu cầu và năng lực học thật sự, do không còn chỗ để đăng ký. Những sinh viên quên hoặc đăng ký chưa đủ môn trong đợt chính thức nên chủ động nắm bắt lịch đăng ký bổ sung hoặc liên hệ với cố vấn học tập hay phòng đào tạo để được hướng dẫn.
Gần 10 ngày trước, Thùy Dung đã hoàn thành đăng ký tín chỉ cho học kỳ II. Do đã có kinh nghiệm, nữ sinh đọc kỹ thời khóa biểu và các học phần thuộc chương trình đào tạo năm thứ ba. Đến buổi đăng ký, Dung nhờ thêm hai người bạn hỗ trợ, mỗi người chịu trách nhiệm đăng ký hai môn trong tổng sáu môn cần học. "Nhiều thiết bị mà chỉ mình thao tác cũng không nhanh và chính xác bằng chia nhỏ số môn cần đăng ký và nhờ bạn bè", Dung nói, cho biết điều này khiến việc đăng ký tín chỉ đã 'mượt' và nhàn hơn các năm trước".
Dù vậy, nữ sinh bày tỏ mong muốn hệ thống hoạt động ổn định. Tình trạng mệt mỏi và mất thời gian chủ yếu do chờ đợi đăng nhập, hiện thông tin. Với nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, các em mong trường khảo sát nhu cầu của để mở thêm các lớp học phần, với giờ học đa dạng để hạn chế việc nhiều môn mà các em có nhu cầu nhưng giờ học chồng nhau, không thể đăng ký.
Giáo sư danh dự Đại học Utah, Mỹ - Trương Nguyện Thành cho rằng việc cải thiện hệ thống nền tảng công nghệ thông tin có thể gặp nhiều khó khăn. Theo ông Thành, tăng băng thông không rẻ, lại chỉ để đáp ứng một vài giờ trong năm sẽ tạo áp lực tài chính cho các trường. Thay vào đó, ông nhận định vấn đề cốt lõi là các trường đại học cần lên khung chương trình ổn định cho cả khóa. "Việc này giúp sinh viên có định hướng rằng kỳ này học môn gì, biết mình sẽ làm gì nên không nhất thiết phải giành giật chỗ học ngay khi cổng đăng ký tín chỉ mở", ông Thành nói.
Thanh Hằng - Lam Thanh
*Tên sinh viên đã được thay đổi