Luôn tay lau mát cơ thể con gái, chị Trần Thị Hiền (Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết sau một năm nằm điều trị tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, bé Trần Thị Thúy Kiều được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 khi bệnh tình trở nặng. Từ 22 kg, cô bé sinh năm 2006 nay chỉ nặng chừng 15 kg.
Bệnh lupus đã gây tổn thương thần kinh, thận, huyết học, tim, gan và kèm theo đó là viêm phổi nặng. Sau 2 tháng nằm theo dõi trong phòng cấp cứu với những phương tiện điều trị tốt nhất, bé đã vượt qua giai đoạn nguy kịch. Tuy nhiên với vấn đề nghi ngờ lao phổi kèm theo lao màng ngoài tim, bệnh nhi hiện đang được tiếp tục hội chẩn, làm một số xét nghiệm để tiếp tục chẩn đoán điều trị.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - Miễn dịch BV Nhi đồng 2 cho biết đây là một trong những ca bệnh nặng trong số khoảng 100 ca lupus đang theo dõi tại khoa. Những trường hợp khác chỉ tổn thương vài tạng như thận, khớp còn bệnh nhi này đã tổn thương đa cơ quan nên việc điều trị khá phức tạp.
“Bệnh nhi đang được tiếp tục thay huyết tương, điều trị bằng ức chế miễn dịch mạnh và kháng sinh. Đối với trường hợp này cần truyền máu ở mức độ tinh khiết cao, chi phí đắt hơn so với loại máu thông thường”, bác sĩ Thúy phân tích.
Theo bác sĩ Diễm Thúy, lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ trẻ. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay có thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát để hạn chế tái phát. Nếu khống chế tốt bệnh nhân vẫn có thể phát triển, sinh hoạt bình thường.
Bé Kiều là con gái thứ hai của trung úy Trần Thế Anh, công tác tại Lữ Đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Anh phải làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Trường Sa với một năm chỉ 30 ngày phép nên không thể liên tục bên cạnh chăm sóc vợ con. Việc túc trực chăm sóc con ở bệnh viện hơn một năm qua đều một tay chị Hiền đảm nhận. Bệnh phải điều trị lâu dài, tốn kém khiến gánh nặng kinh tế đè nặng gia đình người lính đảo.
Lê Phương