Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá. |
- Vì sao tốc độ tăng trưởng kinh tế có vẻ ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài trong 3 tháng qua đều giảm?
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm nay dưới 7%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Khó khăn nhiều nhất rơi vào vào khối nông lâm, ngư nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu đạt thấp cũng để lại gánh nặng cho những tháng còn lại. Nguyên nhân có nhiều nhưng đáng chú ý là hạn hán đến quá sớm trên diện rộng và rất nặng nề. Vì vậy, Chính phủ trong phiên họp tới đây sẽ dành nhiều thời gian để bàn thực hiện các giải pháp trong tháng tới. Khó tìm được giải pháp đột phá mới nào, nhưng nếu triển khai thực hiện những giải pháp hiện nay một cách đồng bộ và tích cực hơn thì tình hình sẽ chuyển biến tốt.
- Sự hưởng ứng Luật Doanh nghiệp có vẻ không hào hứng như hai năm trước, có phải vì sự cam kết bỏ giấy phép con đang gặp trở ngại?
- Chính phủ sẽ đưa ra bàn tập thể chuyện bỏ tiếp giấy phép con vì nhiều ý kiến đồng tình nhưng vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất ngay cả về quan điểm, nhận thức và cách thức điều hành. Tôi với tư cách tổ trưởng tổ thi hành luật doanh nghiệp sẽ cố gắng tối đa bảo vệ việc bãi bỏ giấy phép con và phải thuyết phục cỡ 16-18/30 thành viên Chính phủ đồng ý thì mới bỏ được.
- Thật ra việc bãi bỏ giấy phép con không đơn giản là xóa bỏ rào cản mà quan trọng hơn là thực hiện sự cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của khu vực tư nhân?
- Tôi cũng nhận thấy cuộc chiến bãi bỏ giấy phép con đang ngày càng gam go hơn. Có lẽ giữa năm đến cuối năm nay, Chính phủ sẽ ban hành một văn bản nhằm ngăn chặn ra đời tất cả các quy định không cần thiết vì thực tế có những quy định còn gay gắt hơn cả giấy phép con. Vì thế, cần phải thấy rằng việc ban hành Luật Doanh nghiệp chỉ mới là bước đầu, việc đưa luật này vào cuộc sống khó khăn nhiều.
- Trong khi nguồn vốn đầu tư còn rất eo hẹp thì thất thoát và lãng phí lại quá lớn, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản những công trình lớn. Vấn đề này đã bị kêu rất nhiều, nhưng vì sao Chính phủ gần như vẫn chưa kiểm soát được?
- Có rất nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khâu cơ chế chính sách, tôi chuẩn bị kiến nghị đổi mới quy chế đầu tư và xây dựng, quy chế đấu thầu. Thật ra, theo tôi những quy định hiện hành của ta không thiếu mà thiếu cái lớn nhất là chế tài. Tôi nghiêng về phía quy định ở mức vừa phải thôi nhưng dứt khoát phải được tuân thủ nghiêm vì bây giờ có quá nhiều quy định không đi vào cuộc sống cũng không sao cả. Tôi cho rằng, quy định chế tài trong các văn bản pháp quy của ta còn lỗ hổng quá lớn.
- Như thế có nghĩa là chấp nhận đầu hàng với thất thoát 30-40% vốn xây dựng cơ bản?
- Con số 30-40% đó còn phải kiểm tra lại, nhưng đúng là hiện tại vẫn còn thất thoát không chỉ trong đầu tư mà trong chi tiêu nói chung, trước hết là chi tiêu công. Chúng ta gặp suốt ngày hiện tượng mua sắm bất cứ thứ gì dù rất bé cho cơ quan đều bị đội giá cao hơn giá mua bán thực. Giá mua cái máy chỉ 1 triệu đồng thì hóa đơn ít nhất là 1,1 triệu đồng. Vì vậy, cần đặt vấn đề kiểm soát toàn bộ việc chi tiêu công chứ không riêng gì đầu tư.
Tôi thấy pháp luật nhiều nước chế tài nghiêm khắc hơn chúng ta nhiều. Dù có nâng lương gấp ba lần hiện nay mà tôi kiếm chênh lệch thêm được vài trăm nghìn vẫn không ai làm gì tôi cả thì tôi vẫn cứ kiếm thêm. Tới đây, Chính phủ sẽ kiểm tra toàn diện để có biện pháp chấn chỉnh. Tôi còn nhớ Stalin năm 1937 viết rằng, bảo vệ của công có hai điều cần phải làm: lập hàng rào bằng văn bản pháp lý hết sức chặt chẽ để không ai có thể cho tay vào túi nhà nước, nếu ai vẫn cứ cho tay vào túi nhà nước thì phải chặt tay để họ không còn làm được chuyện đó. Điều đó rất đáng học tập và vận dụng.
(Theo Tuổi Trẻ)