Đây là nhiệm vụ hàng ngày của các nhà nghiên cứu Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Nebraska nhằm xác định xem có bệnh nhân nào nhiễm biến chủng mới hay không. Vài giờ sau, tiến sĩ Baha Abdalhamid, trợ lý giám đốc phòng thí nghiệm, cho biết: "Sau khi tải xuống kết quả dưới dạng trang tính Excel, tôi lập tức quét 64 mẫu virus và phát hiện 6 mẫu là Omicron".
Ngày 3/11, Nebraska công bố 6 ca nhiễm biến chủng đầu tiên. Khắp thế giới, các nhà khoa học chạy đua để tìm hiểu về độ phổ biến của Omicron và mối đe dọa tiềm ẩn của nó. Những cơ sở như phòng thí nghiệm của tiến sĩ Abdalhamid nghiễm nhiên trở thành tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Hôm 3/11, các nhà khoa học Nam Phi cho biết biến chủng dường như lây lan nhanh gấp hai lần so với Delta, là phiên bản dễ lây nhất của virus. Hiện chưa rõ liệu Omicron có thể trốn tránh miễn dịch do vaccine tạo ra hay không.
Tại Mỹ, cuộc săn lùng biến chủng bắt đầu vào tuần trước, khi Nam Phi công bố virus có nhiều đột biến đáng lo ngại. Các nhà khoa học tăng tốc trong những ngày gần đây, ít nhất 11 bang đã giải trình tự gene và phát hiện ca nhiễm. Họ xem xét mẫu nước thải sinh hoạt để tìm ra bất kỳ dấu hiệu nào của biến chủng. Giới chức tăng cường truy vết để tìm ra những F0 tiềm năng.
Tại các phòng thí nghiệm ở Nebraska - bang có tỷ lệ bệnh nhân cao, các nhà khoa học tăng tốc sàng lọc mẫu bệnh phẩm từ khách du lịch quốc tế, xem liệu Omicron đã xâm nhập lãnh thổ hay chưa.
Theo Peter Iwen, giám đốc Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Nebraska, trước khi phát hiện ca nhiễm địa phương, "mối quan tâm của giới khoa học là dịch bệnh sẽ thay đổi thế nào nếu Omicron quét qua".
"Chúng ta sẽ thấy làn sóng lây nhiễm chứ? Hay virus sẽ chiếm ưu thế ở nơi này và suy yếu ở nơi khác", ông Iwen nói.
Khi Nam Phi phát cảnh báo về Omicron, các nhà khoa học Mỹ bỏ ngày nghỉ cuối tuần để tìm kiếm manh mối của nó, xem virus có đang âm thầm lây lan hay không. Họ kiểm tra kỹ lưỡng các mẫu xét nghiệm dương tính gần đây, nghiên cứu đột biến của Omicron để có thể phát hiện nó theo cách thủ công trong mã di truyền nếu phần mềm giải trình tự không làm được điều này.
Theo các nhà khoa học, biết vị trí và quy mô lưu hành của Omicron là cách tốt nhất để hiểu và ứng phó hợp lý với virus. Các nhà khoa học lo ngại về các đột biến và khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng sau nhiễm và khả năng virus né tránh miễn dịch.
Đến nay, các dữ liệu thực tế còn hạn chế. Song Omicron ngày càng lan rộng ở Mỹ. Hôm 1/11, các nhà khoa học ở California đã công bố ca nhiễm đầu tiên. Một ngày sau, Minnesota ghi nhận trường hợp dương tính đến từ New York. Trong vòng vài giờ, New York phát hiện 5 F0. Omicron sớm lây lan ra Pennsylvania, Missouri, Utah,... Không phải ca nhiễm nào cũng từng đi du lịch là ngoài địa phương.
Tất cả khiến cho công việc đằng sau cánh cửa Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Nebraska thêm phần căng thẳng. Mỗi ngày, các nhà khoa học chiết xuất RNA từ 64 gạc mũi được gửi từ khắp các bang và đưa chúng vào máy. Khoảng 18 giờ sau, họ thu được chuỗi di truyền của mỗi ca nhiễm.
Các chuyên gia tập trung vào những trường hợp có nguy cơ cao nhất: người từng đi qua vùng dịch, trẻ em hoặc khách du lịch. Kết quả được đăng tải trên kho dữ liệu toàn cầu, cho thấy biến chủng nào xuất hiện ở Mỹ và liệu các ca nhiễm có liên quan đến nhau hay không.
"Nếu trong một nhóm 10, 15 hoặc 20 người, có một người nhiễm biến chủng Omicron, liệu số khác có nhiễm hay không? Nếu cùng nhiễm biến chủng Omicron, các bệnh nhân này liên quan gì đến nhau. Họ có lây từ cùng một nguồn hay không?", tiến sĩ Abdalhamid giải thích về những câu hỏi mà nhóm chuyên gia phải trả lời trong quá trình nghiên cứu.
Dựa vào thông tin đó, giới chức có thể đưa ra các quy định y tế công cộng hợp lý.
"Ngạc nhiên là chúng tôi có thể làm điều đó, vì trước đây chúng tôi chỉ biết đặt câu hỏi mà thôi. Các nhà khoa học đã giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình đưa định hướng có mục tiêu và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nói chung", tiến sĩ Lindsay Huse, giám đốc cơ quan y tế tại quận Douglas, bang Nebraska, cho biết.
Đầu năm nay, các chuyên gia Mỹ công bố hàng nghìn mẫu virus mỗi tuần, vượt xa các nước khác về khả năng xác định và phản ứng với biến chủng. Kể từ đó, năng lực giải trình tự gene tăng đáng kể, lên khoảng 80.000 mẫu mỗi tuần, tương đương 14% số kết quả PCR dương tính.
Vài tháng qua, gần như tất cả virus tại phòng thí nghiệm đều là Delta, biến chủng chiếm ưu thế ở phía nam trong suốt mùa hè, gây ra đợt bùng phát mạnh mẽ ở Trung Tây và Đông Bắc. "Thành thật mà nói, mọi thứ bắt đầu trở nên nhàm chán, vì 100% đều là Delta", Richard Michelmore, chuyên gia tại trường Đại học California, cho biết.
Những ngày gần đây, khi tin tức về biến chủng Omicron lan rộng, tiến sĩ Michelmore cho biết phòng thí nghiệm của ông đã sử dụng lại một chương trình thu thập và kiểm tra các mẫu bệnh phẩm từ cộng đồng. Dù quá sớm để hiểu Omicron nguy hiểm đến đâu, tiến sĩ Michelmore cho rằng phòng thí nghiệm sẽ sớm ghi nhận mẫu virus đầu tiên. "Vấn đề chỉ là thời gian thôi. Tôi đoán là chúng tôi sẽ phát hiện nó vào Giáng sinh", ông nói.
Omicron xuất hiện trong thời điểm cuộc chiến chống dịch của đất nước khá bấp bênh. Dù mức độ nhiễm bệnh và nhập viện toàn quốc thấp hơn nhiều so với cách đây một năm, trước khi có vaccine, một số bang ở vùng Trung Tây và Đông Bắc đã trải qua làn sóng Delta nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch.
Đội ngũ y tế được điều động đến bệnh viện ở Minnesota và Michigan. Tỷ lệ dương tính tại Vermont và New Hampshire tăng lên mức kỷ lục. Ở Nebraska, các bệnh viện tổ chức cuộc họp báo trong tuần này để cảnh báo về những hạn chế liên quan đến vaccine và năng lực điều trị của bệnh viện.
Đến nay, Omicron chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến các nước phải phong tỏa hay ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của cộng đồng. Thống đốc Pete Ricketts của Nebraska hôm 3/11 cho rằng Covid-19 sẽ tồn tại mãi mãi, người dân cần học cách thích nghi với những biến chủng sẽ xuất hiện sau này.
Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố hôm 24/11, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. Hai ngày sau, WHO tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách "đáng lo ngại".
Giới khoa học có nhiều ý kiến trái chiều về Omicron. Một số người cho rằng vaccine sẽ kém hiệu quả so với biến chủng. Số khác nhận định cộng đồng không nên quá hoang mang, vaccine hiện tại vẫn có tác dụng và không cần sản xuất thế hệ mới.
Về tốc độ lây truyền, giới chuyên gia hầu như đồng quan điểm Omicron lan nhanh hơn các biến chủng trước đó. Số người xét nghiệm dương tính virus ở Nam Phi đã tăng lên kể từ khi biến chủng xuất hiện. Hiện hơn 20 nước trên thế giới đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới này.
Thục Linh (Theo NY Times)