"Quyết định tưởng như bốc đồng trong mắt người thân, bạn bè là ý định đã ấp ủ bấy lâu của chúng tôi", Bùi Ngọc Việt, 41 tuổi và bạn đời Nguyễn Trọng Tân, 31 tuổi, chia sẻ.
Ngọc Việt và Trọng Tân là hai người trong cộng đồng LGBT. Khi yêu nhau năm 2016, Tân bỏ nghề thiết kế nội thất triển vọng ở Sài Gòn, về Cần Thơ sống với Việt và cùng nhau nhận nuôi con gái. Họ quản lý studio ảnh, mở thêm một tiệm hoa tươi và ba tiệm cà phê.
Tuy nhiên công việc áp lực, cuộc sống ở thành phố khói bụi và ô nhiễm ngày càng khiến đôi trẻ đặt câu hỏi "Mình là ai và sinh ra để làm gì?".
Họ không muốn cả cuộc đời chỉ biết chạy theo deadline, chen chúc trên đường bì bõm nước, dùng tiền làm ra để tiêu xài xả stress. "Chúng mình cần không gian để đi chân đất, có không khí sạch để thở, rau trái tự trồng. Từ khi có con, chúng mình ưu tiên sức khỏe và muốn mở đường cho thế hệ con cháu sống thuận tự nhiên", Ngọc Việt chia sẻ.
Đầu năm 2020, họ mua đất, xây ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Cần Thơ. Đợt giãn cách vì Covid-19, cả gia đình lớn ba thế hệ của Việt đều về đây ở. Từng hộ bắt đầu xây nhà riêng xung quanh, nay đã có bốn ngôi nhà cho bốn gia đình quây quần mang tên "Xóm nhà yên".
Mô hình họ gây dựng là nông trại vườn rừng, có cổ thụ, có cây ăn trái, dây leo, cây bụi và rau cỏ. Từ một vườn dừa già ban đầu, sau ba năm khu đất của họ trở nên um tùm đủ loại cây cối. Cả cộng đồng nhỏ cùng đồng lòng sống thuận tự nhiên chứ không đơn thuần là bỏ phố về quê thông thường.
Cuộc sống đang yên ả, đầu năm 2022 cặp đôi đi thăm một người bạn đã xây dựng được một mô hình vườn rừng ở xã Ea Sar (Ea Kar, Đăk Lăk). Sau 12 tiếng trên xe đò, quang cảnh vùng cao nguyên hiện ra trước mắt họ, cằn cỗi, khô khốc và nóng nực.
Người bạn dẫn họ đi thăm thú trong vùng. Đến một khu đất, nơi hơn 20 năm trước là rừng nguyên sinh nối liền với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea So, nay chỉ còn là những quả đồi trơ trọi toàn hoa xuyến chi và cỏ dại. Đất cằn cỗi như hóa đá, không đào nổi một cái hố nhỏ để trồng cây.
"Giây phút bước chân trên quả đồi đó tim mình như có ai bóp nghẹt. Mình thầm nghĩ nếu có nhân duyên có thể làm được gì cho nơi này sẽ cố hết sức", nhiếp ảnh gia Bùi Ngọc Việt kể.
Một tháng sau cặp đôi hoàn tất mua mảnh đất này. Họ xác định luôn con đường của cuộc đời mình từ đây là khôi phục lại rừng, tạo điều kiện sinh sống cho đa dạng loài. "Đây là con đường không thể không làm và chờ đợi ai giúp mình nữa. Chúng mình tin cứ đi trước sẽ có người tiếp bước theo", Trọng Tân nói.
Ngày mới về, khu vườn hơn ba hecta gần như trống trơn. Đôi trẻ cùng một số người đồng hành và thuê thêm bà con làng xóm cùng nhau khai khẩn trồng rau củ, nuôi gà. Diện tích lớn còn lại được phủ xanh mỗi ngày bằng cây rừng và cây ăn trái.
Bạn bè từ khắp mọi miền biết họ đang phủ xanh đồi trọc đã gửi tặng hạt giống, nhiều người gửi cả cây con. Họ xin phép địa phương vào khu bảo tồn thiên nhiên cạnh nhà để quan sát được hình thế đất trong khu rừng, biết được các giống loài nào vốn là sinh vật bản địa, từ đó ưu tiên trồng các cây bản địa trong vườn mình.
Những ngày tháng ở rừng làm cho hai chàng trai đen hơn, ai cũng sụt cả chục kg nhưng tinh thần bình an. Việt kể về đây học được cách nhìn hướng gió để dự đoán mưa, đoán mùa; biết được loài cây nào có sức sống khỏe để làm điểm tựa cho các cây khác; cũng như học được những bài thuốc từ cây cỏ của dân bản để chữa bệnh.
Hơn hết, anh thấy mình có ích, khi những việc nhỏ đang làm có thể mang niềm vui và thay đổi cuộc sống cho những người xung quanh. Thời gian qua gia đình Việt đã tạo công ăn việc làm cho bà con trong thôn. Họ cũng dùng nguồn quỹ cộng đồng từ các cơ sở kinh doanh của mình để giúp các hộ khó khăn trong thôn xây nhà. Bà con ngày càng thương quý, có việc gì vướng mắc sẽ hỏi, vườn có gì thu hoạch ngon cũng mang cho.
Khó khăn lớn nhất với cặp đôi là có một giai đoạn đã bị gia đình phản đối gay gắt. Vì thương, ai cũng sẽ lo lắng khi thấy các con về nơi heo hút, sống thiếu thốn tiện nghi. Cả hai đã cố gắng giải thích, chia sẻ để mẹ cha, anh chị em hiểu rằng con người cần quay về, quy phục chứ không phải chinh phục tự nhiên; giảm thiểu tiêu thụ hàng hóa, vì nguồn gốc của hàng hóa đều khai thác từ tài nguyên thiên nhiên.
Nhìn thấy các con kiên định với con đường của mình, đến nay gia đình không còn phản đối mà hỗ trợ cùng gây dựng tương lai. Quán cà phê ở TP HCM có người thân quản lý hộ. Con gái năm nay vào lớp 1 đang gửi gia đình ở "Xóm nhà yên "chăm sóc. Một tháng vài ngày Việt và Tân về Cần Thơ thăm nhà, thăm con và quản lý các công việc kinh doanh. Khi cuộc sống ở đây ổn định, họ sẽ có những bước điều chỉnh mới.
May mắn họ vẫn có được nguồn thu nhập ổn định từ các việc kinh doanh và có lộ trình về rừng kỹ càng nên luôn giữ được tâm thế bình an. "Khi không có nhiều áp lực về kinh tế, tụi mình dành nhiều tâm tư cho việc gây dựng rừng và giúp đỡ cộng đồng bản địa", cặp đôi chia sẻ.
Sau một năm về rừng họ sắp hoàn thiện chỗ ở cho gia đình mình và một ngôi nhà khác dành cho bạn bè và tình nguyện viên muốn đến thực hành lối sống tối giản, giảm thiểu tiêu dùng và trồng trọt. Trong ngôi nhà mới, cặp đôi ưu tiên vị trí đẹp nhất dành cho bếp củi, để vừa nấu có thể vừa chậm rãi nhìn ngắm núi đồi đang ngày một thay da đổi thịt trước mắt.
Xem thêm ảnh hành trình từ phố về rừng của Ngọc Việt - Trọng Tân:
Phan Dương