Maria, 40 tuổi, cùng ba con gái từ một ngôi làng hẻo lánh ở Amazon tới Lima lần đầu để con gái lớn Amelie vào đại học. Cô bé 17 tuổi đã giành được suất học bổng danh giá theo học trường Científica del Survà, mang theo ước mơ đổi đời của cả gia đình vì là người đầu tiên trong nhà học đại học.
Mẹ con Maria thuê một căn phòng nhỏ để Amelia đi học, còn Maria đi làm nhà hàng kiếm tiền sinh hoạt. Nhưng khi Covid-19 tấn công Peru, mọi hoạt động ở quốc gia này đều dừng lại. Hơn 70% người dân Peru làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và khi chính phủ ban lệnh phong tỏa, cơ hội việc làm của Maria biến mất.
Sau gần hai tháng, họ không còn tiền trả tiền thuê nhà và mua thức ăn. Maria quyết định trở về quê ở vùng Ucayali, cách Lima hơn 560 km. Giao thông công cộng ngừng hoạt động khiến họ chẳng còn cách nào khác ngoài đi bộ.
"Tôi biết mình đang đặt các con vào tình thế nguy hiểm, nhưng không còn lựa chọn nào khác", Maria nói. "Một là chết trên đường rời khỏi đây, hai là chết đói trong phòng".
Hàng nghìn người Peru giống Maria cũng tính rời khỏi Lima để về quê. "Tôi đã không ra khỏi nhà từ khi chính phủ tuyên bố cách ly", cô nói. "Nhưng giờ tôi hết sạch tiền rồi".
Maria và các con rời Lima hồi đầu tháng 5. Cô đeo khẩu trang, cõng con gái Melec chưa đầy một tuổi, lưng đeo một chiếc balô sặc sỡ hình trái tim. Amelia và Yacira, 7 tuổi, đi bên cạnh, ôm túi đồ của mình. Balô của Yacira đeo một con gấu hồng.
Gia đình họ không đi một mình. Hàng nghìn người Peru cũng trên đường đi cùng, chạy trốn khỏi đại dịch và mất thu nhập. Họ vượt qua những con đường cao tốc bụi bặm, đường ray xe lửa và những con đường nông thôn tối tăm. Gia đình Maria đi qua cao nguyên Andes trước khi tới rừng nhiệt đới Amazon, tuyến đường cực kỳ nguy hiểm với một phụ nữ đi cùng ba đứa trẻ.
Đi bộ dưới nắng nóng hết giờ này qua giờ khác, họ gắng sức tiến về phía trước. Nước và thức ăn ít ỏi khiến Maria lo lắng. Cô khóc khi nhẹ nhàng hát ru bé Melec. "Không có con đường nào khác, ta phải tự đi đường của mình", Maria ngân nga.
Quãng đường bớt khó khăn hơn khi thỉnh thoảng, họ lại xin những người tốt bụng cho đi nhờ xe. Một người cho họ thức ăn khi anh lái xe qua nhưng phần lớn thời gian, Maria và các con đi bộ.
Sang ngày thứ ba, khi họ đang vật lộn với không khí loãng khi tới gần Andes, nơi có độ cao 4.572 mét so với mực nước biển, một người lái xe tải đi qua và cho họ đi nhờ tới thị trấn kế tiếp, chia sẻ cho họ một phần thức ăn.
"Tôi đã đi bộ rất nhiều", Maria nói với người lái xe, cố kìm nước mắt biết ơn.
Đôi chân họ được nghỉ ngơi một lát. "Tay của con gái tôi bắt đầu tím lại", cô nói. "Tôi tưởng con bé sẽ không đi tiếp được".
Đường về nhà không chỉ thử thách sức chịu đựng. Maria còn phải vượt qua các trạm kiểm soát để ngăn chặn người dân từ Lima, vùng tâm dịch của Peru, mang virus sang các vùng nông thôn.
Bất chấp các quy định phong tỏa nghiêm ngặt, Peru là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới vì Covid-19, với hơn 230.000 ca nhiễm và hơn 6.800 ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng con số thực có thể cao hơn, trong lúc hệ thống y tế đang căng sức đối phó đại dịch.
Ở San Ramon, ngay trước khi Maria đến rừng, một cảnh sát đã thẩm vấn cô. "Chị không được phép đi qua chỗ này cùng trẻ em", sĩ quan nói. Maria đàm phán. "Tôi chỉ trở về nông trang nhà mình ở Chaparnaranja, tôi vừa ở đấy một tuần trước".
Maria nói dối. Cô không thể nói với viên cảnh sát rằng mình từ Lima đến bởi anh sẽ không cho phép cô đi tiếp. Người mẹ đang kiệt sức ấy vẫn kiên trì. Cô làm việc phải làm để sống sót. Chết vì nCoV không đáng sợ bằng chết đói.
Sau 7 ngày đêm và quãng đường 480 km, Maria và các con về đến tỉnh Ucayali, nơi người bản địa Ashaninka sinh sống. Họ vấp phải rào cản cuối cùng: đi vào vùng lãnh thổ bị cấm vì virus.
"Điều gì xảy ra nếu một người nhiễm bệnh đi vào vùng này? Làm thế nào mà chúng tôi tránh được?" một trong số các thủ lĩnh của người Ashaninka nói. "Chúng tôi không có cả khẩu trang. Trung tâm y tế của chúng tôi không có phương tiện đối phó virus".
Nhưng Maria vẫn quyết tâm về làng. Cô đã đàm phán với các thủ lĩnh địa phương và được phép về nhà, với điều kiện phải cùng các con tự cách ly 14 ngày. Họ về tới nhà vào buổi đêm. Maria choáng váng khi bầy chó trong nhà chạy ra đón. Cô quỳ xuống khóc nức nở, cảm ơn Chúa vì đã đưa mình về, trong lúc bầy chó vẫy đuôi và rúc vào em bé trong lòng cô.
Khi nước mắt trùng phùng tuôn rơi, Kafet, chồng cô, cùng bố chồng Maria, bước ra từ trong bóng tối. Cả nhà đều vui nhưng vẫn phải duy trì khoảng cách. Không ai dám chạm vào người kia do sợ nhiễm nCoV.
"Thật là khó khăn, ba mẹ con đã vô cùng vất vả", Maria nói với chồng. "Em không bao giờ muốn đến Lima nữa. Em ngỡ mình sẽ chết ở đó cùng các con".
Hồng Hạnh (Theo CNN)