Hình ảnh trên truyền hình Peru cho thấy hàng trăm gia đình, bao gồm cả trẻ em, đi dọc đường cao tốc, mang theo đồ đạc để về quê khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt thủ đô Lima đã bước sang tuần thứ 6 nhằm ngăn Covid-19. Tuy nhiên, họ đối mặt với hàng rào cảnh sát chống bạo động đang chặn đường trên cao tốc.
Khi những người này tìm cách vượt qua, cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay để ngăn chặn.
Nhiều người nghèo bắt đầu rời Lima từ tuần trước, nhiều người nói rằng họ phải lựa chọn giữa tình cảnh nghèo đói, vô gia cư trong thành phố hoặc tìm đường về quê, dù phải đối mặt với nguy cơ nhiễm nCoV.
"Ở Lima không còn việc làm nữa, không có cách nào để trả tiền ăn, chúng tôi cũng không còn tiền tiết kiệm nữa", Maricela de la Cruz, một trong những người đang cố gắng về quê ở Huancayo, Peru, cho hay. "Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để ở lại trong 30 ngày cách ly. Bây giờ chúng tôi muốn về quê, bởi chúng tôi còn có nhà cửa, gia đình, chúng tôi có người giúp đỡ. Ở Lima, chúng tôi chẳng có ai cả".
Dù áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhất ở Mỹ Latin kể từ giữa tháng ba, Peru đã ghi nhận 16.325 ca nhiễm, 400 ca tử vong tính đến 20/3, chỉ sau Brazil về số ca nhiễm trong khu vực. Dân số Brazil khoảng 210 triệu, gấp 7 lần Peru.
Trong khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro chỉ trích các biện pháp nhằm ứng phó Covid-19, thậm chí còn xuống đường tham gia biểu tình đòi các thống đốc bang mở cửa, người đồng cấp Peru Martin Vizcarra lại áp dụng các biện pháp quyết liệt ngăn đại dịch. Ông cho triển khai quân đội và cảnh sát để thực thi lệnh phong tỏa.
Tổng thống Vizcarra hôm 20/4 tuyên bố những tuần tới sẽ là thời gian khó khăn nhất trong ứng phó dịch và yêu cầu "năng lực phản ứng cao nhất của mọi người" để chống lại dịch bệnh. "Số lượng bệnh nhân gần như đã vượt quá khả năng của hệ thống y tế", ông nói.
Peru cũng đã tung gói cứu trợ kinh tế khổng lồ trị giá tới 90 tỷ sole (26,21 tỷ USD) hồi tháng trước, chuyển tiền mặt hai tuần một lần cho hàng triệu gia đình nghèo. Cựu bộ trưởng tài chính Peru Alonso Segura cho rằng chính phủ không thể kéo dài thêm lệnh phong tỏa. "Các công ty đang trên bờ vực phá sản và sự tuyệt vọng của người dân ngày càng tăng. Hơn cả kinh tế, nó còn là vấn đề xã hội", Segura nói.
210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, khiến gần 2,5 triệu người nhiễm, hơn 170.000 người chết trên khắp thế giới. Mỹ và châu Âu hiện là những vùng dịch lớn nhất thế giới.
Mai Lâm (Theo Guardian)