Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) được cho là sẽ phải đối mặt với hai tuần thấp thỏm phía trước, sau khi lãnh đạo phe cực hữu Pháp Marine Le Pen, 53 tuổi, hôm 10/4 đủ điều kiện bước vào vòng hai cuộc bầu cử nước này để thách thức đương kim Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 24/4.
Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, Tổng thống Macron, 44 tuổi, giành được 27,6% số phiếu bầu, còn tỷ lệ ủng hộ bà Le Pen là 23,4%, một cách biệt không quá lớn.
Cách biệt sít sao này sẽ khiến mọi chú ý ở cả châu Âu và Washington đổ dồn vào những diễn biến tiếp theo trong cuộc đua tới chiếc ghế tổng thống Pháp, trong bối cảnh các đồng minh đang nóng lòng muốn biết liệu Paris có còn là một đối tác tin cậy trong nỗ lực gây sức ép nhằm khiến Nga từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không.
Bà Le Pen 5 năm qua đã cố gắng tái lập hình ảnh bản thân là một người ôn hòa, nhưng những chỉ trích gần đây của bà đối với chiến dịch quân sự Nga phát động ở Ukraine không thể xóa bỏ đi thực tế rằng đảng Mặt trận Quốc gia mà bà lãnh đạo là một đảng cực hữu.
Một tờ rơi đảng Mặt trận Quốc gia tung ra trong năm nay thể hiện hình ảnh Le Pen bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho thấy mối quan hệ dường như khá nồng ấm giữa bà với ông chủ Điện Kremlin. Hồi năm 2014, đảng này cũng vay hơn 9,7 triệu USD từ một ngân hàng Nga để phục vụ các hoạt động của mình.
Le Pen từng gây hoang mang khi nêu rõ mong muốn rút Pháp, cường quốc hạt nhân duy nhất trong khối EU, ra khỏi cấu trúc chỉ huy tích hợp của NATO để Paris "không còn bị cuốn vào các cuộc xung đột không liên quan đến chúng ta nữa".
Dù đảng của bà đã từ bỏ đề xuất đưa Pháp rời khỏi EU, khu vực đi lại tự do Schengen và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), Le Pen nhìn chung vẫn là người theo chủ nghĩa hoài nghi về châu Âu. Bà có kế hoạch giảm đóng góp của Pháp vào EU, đồng thời thúc đẩy liên minh với các nước như Hungary hay Ba Lan do các chính trị gia cùng chí hướng điều hành.
Trong chiến dịch tranh cử, Le Pen cũng đưa ra những đề xuất mâu thuẫn với các nguyên tắc đi lại tự do của EU, làm dấy lên những nghi ngờ rằng bà đang muốn chuẩn bị cho một kịch bản Frexit (Pháp rời EU).
Bà tuyên bố muốn tăng số lượng nhân viên biên phòng và áp dụng trở lại quy trình kiểm tra hàng hóa từ châu Âu vào Pháp để chống gian lận. Le Pen còn muốn đàm phán lại thỏa thuận về khu vực Schengen mà bà cho là "không thể áp dụng" và thay thế nó bằng các quy định đơn giản hơn dành cho công dân EU.
"Hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với đất nước chúng ta và cả châu Âu", Tổng thống Macron hồi cuối tuần nói trước đám đông ủng hộ ông.
Phấn khích trước kết quả bầu cử vòng một, những người ủng hộ bà Le Pen tối 10/4 hô lớn khẩu hiệu "chúng ta sẽ chiến thắng" và hát vang quốc ca Pháp. Phát biểu trước những người ủng hộ, bà hứa sẽ trở thành "tổng thống của tất cả người Pháp".
Kết quả vòng một bầu cử tổng thống đã củng cố quan điểm rằng chính trị Pháp đã vượt ra khỏi trạng thái phân chia cánh tả - cánh hữu truyền thống, và chuyển sang cuộc đối đầu giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc chống nhập cư, do Le Pen đại diện, với những người cấp tiến ủng hộ hòa nhập châu Âu, sẵn sàng mở cửa cho toàn cầu hóa.
Cuộc đua hiện tại sẽ phụ thuộc phần nhiều vào việc ứng viên nào có thể nhận được ủng hộ từ Jean-Luc Mélenchon, chính trị gia cực tả, người đứng thứ ba trong vòng bầu cử đầu tiên với 21,9% phiếu bầu.
Các cử tri của ông đang chia rẽ trước việc sẽ lựa chọn ai trong vòng bỏ phiếu thứ hai. Theo kết quả thăm dò gần đây từ Ipsos, một nửa số cử tri của Mélenchon không thích cả Le Pen lẫn Macron. Ở nửa còn lại, tỷ lệ ủng hộ dành cho Macron và Le Pen cũng gần ngang nhau, với ưu thế nghiêng chút ít về phía đương kim Tổng thống.
Mélenchon đã kêu gọi cử tri không bỏ phiếu ủng hộ ứng viên cực hữu Le Pen ở vòng hai, nhưng cũng không bày tỏ ủng hộ rõ ràng với Macron. "Mỗi người trong các bạn sẽ phải đối mặt với lương tâm của mình", ông nói trong bài phát biểu thừa nhận thất bại. "Nhưng chúng ta không được bỏ một phiếu nào cho Marine Le Pen".
Một số ứng viên thất bại trong bầu cử vòng một đã tuyên bố ủng hộ Tổng thống Macron, trong đó có Valérie Pécresse từ đảng Cộng hòa Pháp bảo thủ, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo từ đảng Xã hội và Yannick Jadot của đảng Xanh.
Trước vòng bỏ phiếu thứ hai, một trong những câu hỏi quan trọng là liệu Le Pen có thể mở rộng sức hút của mình vượt ra khỏi nền tảng ủng hộ đảng Mặt trận Quốc gia hay không.
Trong những năm qua, Le Pen đã tìm cách làm cho đảng Mặt trận Quốc gia trở nên "chính thống" hơn và đôi khi hạ thấp những luận điệu quá khích về vấn đề nhập cư nhằm thu hút nhiều cử tri bảo thủ truyền thống hơn.
Bà cũng đã cố gắng làm cho mình trở nên lôi cuốn hơn trước các cử tri cánh tả bằng cách thúc đẩy chính sách tăng tuổi nghỉ hưu và giảm thuế VAT đối với các loại thực phẩm cơ bản.
Theo Eric Maurice từ Quỹ Robert Schuman, Tổng thống Macron đang là lựa chọn mà phương Tây mong đợi hơn vì quan điểm ủng hộ EU của ông.
"Nền tảng trong chương trình nghị sự của Le Pen là những lời kêu gọi đặt dấu hỏi về nghĩa vụ cũng như cam kết của Pháp đối với EU. Nếu Le Pen đắc cử, đây sẽ là vấn đề lớn đối với Brussels", ông đánh giá.
Chuyên gia này chỉ ra rằng những cam kết giảm thuế VAT được Le Pen đưa ra để thu hút cử tri, nhưng nó sẽ không thể được áp dụng nếu EU không phê chuẩn. Quan điểm coi trọng lợi ích nước Pháp của bà cũng có thể cản trở Paris thực hiện các chính sách giảm nợ và giảm thâm hụt tài chính, tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột giữa chính quyền Le Pen với EU nếu bà đắc cử.
"Bà ấy còn hứa tăng cường kiểm soát với hàng hóa ở biên giới, điều đi ngược lại các hiệp ước và sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Pháp và các đối tác", Maurice viết. "Chính sách nhập cư của Le Pen cũng sẽ là một trong những vấn đề khiến phần còn lại của châu Âu cảm thấy bất an trong hai tuần tới".
Vũ Hoàng (Theo Politico, Euronews)