Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về cộng đồng người Việt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Những cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ lúc nào cũng thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Trong khi cả thế giới ngóng chờ xem người Mỹ chọn tổng thống thế nào, thì với cử tri Mỹ, việc bầu cử chưa chắc chỉ là để chọn một ứng viên phù hợp.
Đa phần cử tri Mỹ đều đăng ký với một trong hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Có một số ít đăng ký không đảng phái hay là với các đảng nhỏ khác. Đa số các đảng viên luôn bầu cho ứng cử viên của đảng mình.
Vậy tại sao ở Mỹ khi thì phe Dân chủ thắng, lúc lại Cộng hòa thắng? Câu trả lời chỉ có một, chiến thắng thường được quyết định bởi một nhân tố: Cử tri có đi bầu hay không?
Khi Donald Trump lớn tiếng gọi người Mexico nhập cư là "những tên tội phạm và những kẻ cưỡng hiếp", ai cũng nghĩ là vị tỷ phú này đã phạm sai lầm. Thực tế thì Trump chẳng bị sao cả. Điều này nói lên một sự thực phũ phàng mà ít người Mỹ dám nhìn nhận: "Một bộ phận khá lớn những người da trắng theo phe bảo thủ vẫn có tư tưởng phân biệt chủng tộc".
Trong bối cảnh đó, việc Trump trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua của đảng Cộng hòa giống như một cái tát vào mặt của giới lãnh đạo đảng này. Sau chiến thắng của tổng thống Obama vào năm 2008, đảng Cộng hòa quyết tâm "đa dạng hóa" đảng bằng cách chiêu mộ các chính trị gia da màu. Chiến thuật này khá thành công, ít ra là cho đến khi Trump xuất hiện.
Khi Trump tới, lãnh đạo đảng Cộng hòa mới nhận ra rằng: Họ muốn đổi mới, trong khi đảng viên đảng Cộng hòa lại không.
Những người theo phe Cộng hòa vốn bảo thủ và họ đại diện cho tinh thần giữ gìn truyền thống của nước Mỹ. Trong lúc này, những người bảo thủ sợ hãi hơn bao giờ hết khi làn sóng nhập cư từ các nước da màu diễn ra rầm rộ.
(Xem thêm: Nội thất dát vàng trên phi cơ riêng của tỷ phú Donald Trump)
Trên thế giới, Trung Quốc nổi lên rất nhanh và đe dọa thế lực của Mỹ. Trong cơn sợ hãi, một "liều" phẫn nộ thường là thứ mà người ta cần. Trump chính là người đem lại cơn phẫn nộ ấy.
Các chính trị gia chuyên nghiệp đều biết rằng, không thể dùng những từ ngữ miệt thị để nói về một sắc tộc thiểu số. Trên ván cờ ngoại giao, không thể dùng những lời đe dọa để nói chuyện với các thế lực đối đầu. Trump chưa từng làm chính trị nên không sợ mất cử tri, hay nói đúng hơn là không có gì để mất trong phương diện chính trị. Chỉ có Trump mới có thể dùng "liều thuốc" phẫn nộ để giành sự ủng hộ của những cử tri đang sợ hãi.
Xu hướng cực hữu, bài trừ người da màu phổ biến hơn ở châu Âu, nhưng nay phần nào đã lan tới Mỹ. Nó phản ánh tình trạng bất ổn của xã hội đa chủng tộc, trong đó những nghi kỵ về màu da vẫn diễn ra. Điều thú vị nhất là các chủng tộc thiểu số phản ứng thế nào về việc này.
Người Việt ở Mỹ phần nhiều đều theo phe Cộng hòa vì họ nhập cư Mỹ chủ yếu vào thời kỳ đảng Cộng hòa cầm quyền. Trong nội bộ đảng Cộng hòa, việc người Việt ủng hộ ai thì còn tùy vào từng người. Các ứng cử viên của đảng này trước giờ hầu như luôn là những người đàn ông da trắng. Đảng cũng nhận được sự ủng hộ của người da trắng nhiều hơn. Năm nay, các ứng viên Cộng hòa chưa bao giờ lại khác biệt đến vậy.
Người Việt ở Mỹ ủng hộ Trump cũng có những suy nghĩ tương tự như người da trắng, như là người da trắng làm tổng thống vẫn hơn. Năm 2008, có một người Việt nói với tôi rằng nếu Obama mà làm tổng thống, người da đen tất sẽ làm loạn. Tám năm sau, tôi chỉ thấy người da đen bị kì thị hơn.
Các ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa năm nay chỉ có Trump là người da trắng và có tiếng tăm. Rubio và Cruz đều là người gốc Latin, Carson là người da đen, Fiorina là phụ nữ, còn những ứng cử viên da trắng khác như Jeb Bush và Kasich... đều có vấn đề. Kasich không nổi tiếng, còn Jeb Bush thì mang họ Bush, mà người Mỹ thì đã ngán nhà Bush đến tận cổ.
(Cùng một tác giả: Chính phủ Mỹ đóng cửa: Quốc hội mãi 'không lớn nổi')
Lẽ tất nhiên, mỗi cử tri đều có suy nghĩ riêng và cũng có nhiều người Việt theo phe Dân chủ hay không đảng phái. Trong nền chính trị dựa trên nguyên tắc dân chủ, mục tiêu của các chính trị gia không phải là làm những việc đúng đắn, mà làm những việc được nhiều người ủng hộ.
Tuy "lòng dân" là nguyên tắc cơ bản của chính trị thế nhưng lòng dân cũng có nhiều điểm hạn chế. Những năm ở thế kỷ trước chẳng hạn, người da trắng đa số ở Mỹ đều ủng hộ việc kỳ thị người da đen. Đấy là lòng dân vào lúc ấy, nhưng giờ thì ai cũng thấy sai.
Chính trị ở Mỹ cũng vậy, nhiều lúc đám đông ầm ầm ủng hộ một người, nhưng người đó lại không thể làm những gì mà họ đã hứa. Tổng thống Nixon chẳng hạn, cũng đã được người Mỹ bầu lên nhưng rồi phải từ chức trong xấu hổ.
Cuộc bầu cử năm nay cũng có những điều khó lường. Tôi chỉ thấy rằng mùa bầu cử này, khả năng tôi lại phải ra đường vận động cho đảng Dân chủ là khá lớn.
>> Xem thêm: Sự căng thẳng sắc tộc trên đất Mỹ
Vì sao người Mỹ thở than khi tỷ phú Donald Trump tranh cử tổng thống
Trước khi ra tranh cử, Trump nổi tiếng là một tỷ phú lắm lời với những phát ngôn mạnh miệng, giật gân và là một ngôi sao truyền hình thực tế... |
Chia sẻ bài viết của bạn về bầu cử Mỹ tại đây.