Mấy hôm nay mẹ hỏi tôi vì sao luật sư lại biện hộ cho tội phạm. Mẹ nói rằng ở Việt Nam nhiều người nói làm nghề luật sư biện hộ cho tội phạm thì thất đức lắm.
Tôi cũng là luật sư, nhưng chuyên về ngành tài sản trí tuệ, quanh năm suốt tháng chỉ nộp đơn xin bằng phát minh sáng chế và xin bảo hộ thương hiệu. Thế nhưng trong quá trình hành nghề ngắn ngủi tôi cũng đã trải qua một giai đoạn làm luật sư biện hộ cho tội phạm hình sự.
Những tội ác hình sự ở đâu cũng độc ác như nhau. Ở Việt Nam có tướng cướp chém trước cướp sau, có người cha giết con chưa đầy tháng tuổi, có tội phạm tham nhũng hàng tỉ đồng. Ở Mỹ có kẻ bắt cóc hãm hiếp rồi giết trẻ em, có tên đánh bom giết người, có kẻ lừa đảo hàng tỉ đô la. Ở Áo còn có cả tên quỷ loạn luân mà tội ác thật rùng mình. Nhưng tất cả những tội phạm đó đều có luật sư đứng cạnh khi ra toà.
Những ai đã từng bị ra trước vành móng ngựa mới hiểu rằng, khi đó cả xã hội đều đang lên án và buộc tội họ và những lúc như vậy chỉ có luật sư đứng ra bảo vệ họ mà thôi.
Trong trường hợp mà tội ác đã rõ ràng thì luật sư cũng chỉ có thể tìm cách giảm án mà thôi. Những ai làm nghề luật đều biết rằng, đại đa số các bị cáo đều sẽ phải lãnh án. Cũng đã có những trường hợp được trắng án, nhưng tỷ lệ đó rất nhỏ.
Các thủ tục tố tụng được đặt ra để đảm bảo cơ quan công tố phải đưa ra đầy đủ bằng chứng trước khi đề nghị toà kết án bị cáo. Khi luật sư biện hộ chỉ ra những sơ suất trong thủ tục tố tụng là họ đang bảo vệ luật pháp. Bởi vì chỉ khi nào mọi thủ tục tố tụng được hoàn chỉnh thì pháp luật mới được thực thi và công lý mới được đảm bảo.
Không ít người hỏi tôi rằng, vì sao các luật sư vẫn ra toà bảo vệ thân chủ dù rõ ràng là thân chủ có tội. Họ không biết rằng luật sư không được phép bỏ rơi thân chủ của mình, trừ khi là luật sư bị ốm đau, gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc luật sư quá oán ghét thân chủ tới nỗi không bảo vệ họ được.
Mặt khác, nếu các luật sư được phép bỏ đi khi thân chủ có tội, thì công lí sẽ rơi vào tay các luật sư. Giả sử như một luật sư nhận lời bảo vệ cho thân chủ. Sau một thời gian, lúc sắp ra toà, luật sư nói với thân chủ rằng: "Anh phải trả tôi gấp đôi tiền công. Không thì tôi sẽ bỏ, không biện họ cho anh nữa. Người ta sẽ nghĩ rằng tôi bỏ đi vì anh có tội đó".
Ở Mỹ, mọi tội phạm hình sự đều có luật sư biện hộ. Ai không có tiền thuê luật sư sẽ được tòa chỉ định luật sư cho. Vì thế mọi toà án đều có văn phòng luật sư nhà nước (Public Defender). Văn phòng ấy bao giờ cũng quá tải vì tội phạm đa phần đều nghèo. Và đó cũng chính là nơi mà nhiều sinh viên đi thực tập.
Ở đó, tôi đã gặp nhiều việc ngang trái và hiểu rằng oan sai có ở khắp nơi, cho dù là hệ thống pháp lí có tốt đến mức nào. Ngày đầu tiên tôi đeo thẻ Public Defender đi ra toà, tôi đã không qua nổi các thân nhân năn nỉ hỏi thăm người nhà của họ, dù tôi chẳng biết tí gì. Các luật sư cười và chỉ cho tôi lối đi phía sau toà. Chỉ có cách đó họ mới vào toà án đúng giờ được.
Và cũng ở đó, tôi mới biết rằng những gì nằm trên cáo trạng và thực tế thường không giống nhau. Có lần tôi gặp một ông chồng bị với cáo trạng dài dằng dặc. Nào là cướp nhà hàng, hăm dọa đánh bom, khủng bố, đánh vợ. Sáng đó sau khi gặp bị cáo, tôi gặp bà vợ, một phụ nữ mới hơn ba mươi mà khoé mắt đầy nếp nhăn.
Hai người họ đều là người Mễ (Mexico) không có giấy tờ. Bà vợ phải nhờ em gái đứng tên để mở một hàng ăn nhỏ. Ông chồng mới thất nghiệp tới hàng ăn nói với vợ là để anh phụ em bán hàng và xảy ra xích mích, nhằm lúc bà vợ mở két sắt tính tiền cho khách, ông chồng giật vài đô la và hăm vợ rằng sẽ đánh bom cái tiệm này. Khách hàng chạy tán loạn và gọi cảnh sát. Thế là ông chồng được cả mớ tội, kể cả tội hăm doạ khủng bố là trọng tội ở Mỹ.
Bởi thế, nếu bạn thấy các luật sư đứng bên cạnh một bị cáo, xin bạn đừng vội lắc đầu chê bai. Xét cho cùng, luật pháp thì nên công bằng cho tất cả mọi người. Và vì thế, trước toà, ai cũng phải có luật sư, cho dù người đó có phạm phải những tội ác ghê tởm thế nào đi chăng nữa.
>>Xem thêm: Cần đảm bảo quyền có luật sư của người bị bắt
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống xã hội tại đây