Từ 0h ngày 16/10, cả 3 doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone đồng loạt tăng cước 3G sau khi đã được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồi tháng 4, hai mạng Mobifone và Vinaphone đã nâng giá gói cước không giới hạn đang được nhiều người sử dụng thêm 25%, từ 40.000 đồng một tháng lên 50.000 đồng. Viettel không tăng giá nhưng gộp chung phí duy trì và cước vào làm một, ngang bằng mức của hai.
Lâu nay, các nhà mạng phân trần dịch vụ 3G của họ đang bán dưới giá thành, nói cách khác là đang lỗ vì chi phí đầu tư quá lớn (tổng cộng khoảng 28.000 tỷ đồng) trong khi giá bán lại đang thuộc nhóm rẻ nhất thế giới, thấp hơn mức trung bình của khu vực ASEAN và thế giới 35% - 68%. Doanh nghiệp cho rằng với giá bán hiện nay, họ không đủ chi phí để tái đầu tư và nâng cấp hệ thống chứ chưa tính đến chuyện kinh doanh sang mạng 4G.
Một chuyên gia viễn thông nhận định đúng là so với thế giới nói chung, giá 3G của Việt Nam "rẻ bất ngờ". "Nếu theo góc nhìn về thu nhập bình quân trên đầu người thì giá lúc này được xem là hợp lý, nhưng với góc độ kỹ thuật và đầu tư thì đúng là cần điều chỉnh lại", vị này cho biết. Theo ông, thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài về, tính chi phí vận hành, khấu hao, nhân lực, bảo trì... thì đây là khoản đầu tư không nhỏ. "Với tình hình hiện nay, theo tôi cần tới 10 năm để hoàn vốn và sinh lãi", ông nhận định.
Cục Viễn thông vừa phê duyệt đề xuất với mức tăng trung bình 20%, cả 3 nhà mạng cùng nhau đưa gói cước 50.000 đồng lên thành 70.000 đồng (40%). Lý giải cho sự chênh lệch tỷ lệ này, đại diện các doanh nghiệp cho hay có gói tăng ít, tăng nhiều, có gói giảm nên mức trung bình mới là 20%. Tuy nhiên, theo các nhà mạng, đa phần người dùng chọn gói không giới hạn 50.000 đồng một tháng nên sau đợt tăng lần này lượng thuê bao hưởng mức thay đổi trung bình như trên là không nhiều.
Ngay cả đối tượng sinh viên, học sinh vốn hưởng rất nhiều ưu đãi cước thấp và là đối tượng có mức sử dụng 3G cao thì nay cũng chịu chung cảnh tăng giá. Sau điều chỉnh, gói 3G cho nhóm này sẽ là 50.000 đồng, với 600MB ở tốc độ truy cập tối đa, quá mức này sẽ giảm xuống ngang với 2G.
Về chất lượng, thời gian gần đây, người tiêu dùng cho biết có sự đi xuống rõ ràng của dịch vụ, và khẳng định họ đang phải trả tiền 3G để dùng 2G vì tốc độ cũng như độ ổn định mạng rất kém, dù còn hay không lưu lượng ở tốc độ tối đa. Khảo sát người dùng của hãng nghiên cứu Nielsen cho thấy dịch vụ này đang bị khách cho điểm kém.
Cụ thể, tại Hà Nội, tỷ lệ người dùng hài lòng với 3G năm 2011 tới 80% đã giảm còn 66% vào năm 2012. Đà Nẵng giảm hơn 20% (từ 75% xuống còn 53%), đồng thời là thành phố có lượng khách hàng muốn rời mạng nhiều nhất (14%). Năm 2012, đa phần người dùng (92%) cho rằng tốc độ đường truyền quan trọng nhất đối với 3G nhưng chỉ có 55% hài lòng, giảm 9% so với 2011, người không hài lòng chiếm 26% và rất không hài lòng chiếm 19%.
Nhà mạng cho rằng lượng thuê bao tăng nhanh (năm 2012 cao gấp 5 lần 2011) khiến băng thông không đủ sức phục vụ nên họ cần tiền để tái đầu tư, bởi hạ tầng giữa các năm không có nhiều thay đổi, khó đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên không ai nhắc đến việc nhờ phát triển thuê bao mà lượng tiền cước thu về cũng tăng theo.
Theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết 2012 cả nước đang có khoảng 16 triệu thuê bao 3G hoạt động có phát sinh cước thường xuyên. gấp 5 lần so với năm 2011. Các chuyên gia nhận định đến thời điểm này đã có tầm 20 triệu người dùng 3G. Nếu chỉ một nửa trong số này đang dùng gói 50.000 đồng nay tăng thêm 20.000 đồng thì mỗi tháng các nhà mạng sẽ có thêm 200 tỷ đồng.
Trong cùng một ngày, 3 doanh nghiệp chiếm tới 95% thị trường viễn thông và hơn 97% thị phần 3G cùng giá bằng nhau khiến người tiêu dùng bị đẩy vào lựa chọn tiếp tục dùng Mobile Internet với giá cao hoặc từ bỏ. Khi thu nhập của đại bộ phận khách hàng không thực sự cao còn nhu cầu chi tiêu cho 3G vừa phải, 50.000 đồng mỗi tháng vẫn được xem là mức vừa phải khi đem so với giá sinh hoạt chung hay chất lượng dịch vụ.
Anh Quân