Anh cũng là idol (thần tượng) thế hệ mới của nhiều khán thính giả Việt Nam, nhờ ngoại hình sáng, khả năng trình diễn không tồi, âm nhạc bắt tai. Nhưng chỉ sau một câu nói hớ hênh trong liveshow gần đây, ai-đồ (idol) lập tức trở thành tội-đồ. Có người hôm trước còn tung hô anh ta, hôm sau đã tham gia vào "đội quân khảo cổ" đào bới những thứ xấu xí mà nam ca sĩ từng để lại trên mạng xã hội từ nhiều năm trước. Thần tượng trở thành nỗi thất vọng của hàng triệu người.
Trong gia đình tôi, mọi sự vẫn bình thường, âm nhạc của anh ấy vẫn thỉnh thoảng vang lên. Chúng tôi không tham gia bất kỳ cuộc "hành hình" nào trên mạng. Bởi yêu thích tác phẩm, khâm phục thành tựu, ngưỡng mộ thành quả công việc của ai đó là một chuyện, coi người ấy là thần tượng lại là chuyện khác. Ta có thể dễ dàng say mê một bản nhạc, một bộ phim, một cuốn truyện, yêu thích một thương hiệu, một sản phẩm, dịch vụ nào đó, nhưng say mê luôn cả người sáng tạo ra những thứ ấy thì cần cân nhắc kỹ. Ngược lại, khi họ làm điều gì sai trái, hoặc đơn giản là khiến ta không thích, không đồng tình, ta cũng không phủ nhận sạch trơn tất cả thành tựu người đó tạo ra, không tham gia những "phiên tòa online" phán xét họ.
Có thần tượng, ngưỡng mộ ai đó là nhu cầu tinh thần dễ hiểu của con người. Bởi ai cũng muốn theo đuổi cái tốt đẹp, cái cao xa, cái vĩ đại mà bản thân mình chưa hoặc không có.
Trước kia con người có rất ít phương thức để đến gần thần tượng. Thế kỷ này, với sự bùng nổ chưa từng có của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, theo đuổi thần tượng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ sau một câu bình luận, một tin nhắn, người ta đã có thể tương tác, thậm chí kết bạn với idol. Nhưng cũng vì thế, hình ảnh thần tượng có thể sụp đổ trong chốc lát.
Nhưng thanh thiếu niên hiện nay ít được chuẩn bị tâm lý và bản lĩnh để đối mặt với sự thay đổi chóng mặt ấy. Các con lại hầu như không nhận được sự đồng cảm của cha mẹ, ông bà và thầy cô.
Nhiều bạn trẻ khi theo đuổi thần tượng, nhất là các ngôi sao giải trí, sẽ vấp phải hai kiểu thái độ của cha mẹ: phản đối hoặc thờ ơ. Phản đối, vì thần tượng của con "chả ra thể thống gì". Thờ ơ, vì cha mẹ cơ bản không biết họ là ai, cũng không muốn bỏ thời gian tìm hiểu. Thái độ đó, chẳng những không giúp ích gì cho đứa trẻ, mà còn đào sâu khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Khoảng cách vốn đã là vấn đề lớn của các gia đình hiện đại. Cùng con chia sẻ những mối quan tâm chung chính là một biện pháp hiệu quả để thu hẹp khoảng cách này và cải thiện đời sống tinh thần của cả gia đình. Vấn đề là hướng dẫn cho con về văn hóa thần tượng.
Cha mẹ có thể giới thiệu với con những người có thành tựu xuất sắc trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam và trên thế giới. Đó có thể là các vĩ nhân của hàng thế kỷ trước, hay một bạn trẻ vừa làm nên thành tựu. Khi con cái bắt đầu thần tượng ai đó, cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu về thành tựu họ đạt được, con đường họ đã trải qua, giá trị họ mang lại cho xã hội, và từ đó, dần định hướng con, họ có xứng đáng với một vị trí nhất định trong lòng ta. Khi cha mẹ có lý do chính đáng để phủ nhận một idol nào đó, con sẽ cảm thấy thuyết phục hơn.
Từ kinh nghiệm cá nhân và quá trình theo dõi tâm lý, sở thích của giới trẻ, tôi nhận thấy điều quan trọng hơn là, trong quá trình cùng tìm hiểu đó, con dần phân biệt được, đâu là điều con thực sự ngưỡng mộ (tác phẩm, thành tựu hay tính cách cá nhân), và giới hạn nào cho sự ngưỡng mộ. Không có ai bỗng dưng thành công, ai cũng phải trải qua quá trình học hỏi, làm việc, phấn đấu không ngừng, thậm chí gặp vô vàn thất bại trước khi được xã hội công nhận. Kể cả khi đã đạt thành tích nhất định, nếu không tiếp tục học hỏi và lao động để tiến về phía trước, họ cũng đứng trước nguy cơ bị đào thải, thay thế, quên lãng. Và con người nào cũng có góc khuất. Vì thế, dõi theo thần tượng cũng chính là học cách sống, cách làm việc tích cực của những người xứng đáng, và tránh xa những điều tiêu cực, tồi tệ.
Ai cũng bận rộn kiếm tiền nuôi sống gia đình, không dễ có thời gian cùng con "đu" thần tượng. Nhưng con trẻ cũng không mấy khi yêu cầu cha mẹ phải dành ra nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày để trò chuyện và chia sẻ với con. Chỉ cần cha mẹ có lòng, thỉnh thoảng cùng con nghe nhạc, xem phim, đọc một quyển truyện, bình luận một trận đấu, cũng đã đủ rồi.
Thần tượng một người, cũng giống như đang yêu, cần rất nhiều tình cảm, nhưng cũng cần cả lý trí. Điều này đối với các bạn trẻ là không hề dễ dàng. Có cha mẹ đồng hành, con sẽ học được nhanh hơn cách đối mặt với những biến cố tình cảm, cách tiếp nhận và xử lý thông tin, cách phản ứng trước những sự kiện tích cực hoặc tiêu cực, và trên hết, biết sống và yêu một cách văn minh, tiến bộ.
Trịnh Hằng