Tờ Global Times của Trung Quốc hôm 25/12 tuyên bố Bắc Kinh muốn phát triển cụm tàu sân bay chiến đấu Liêu Ninh hiện nay thành nhiều hạm đội tàu sân bay để giành lợi thế địa chiến lược trước Mỹ, theo National Interest.
Tàu sân bay Liêu Ninh hôm 26/12 mang theo 13 tiêm kích hạm J-15 lần đầu tiên tiến vào Thái Bình Dương trong đội hình hộ tống của dàn chiến hạm săn ngầm và phòng không tối tân của nước này. Đây được coi là động thái phô trương sức mạnh lớn nhất của hải quân Trung Quốc (PLAN) trong nhiều thập kỷ qua, nhằm gửi thông điệp tới Mỹ rằng Bắc Kinh đã vượt qua được "chuỗi đảo thứ nhất".
Theo chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar, trong nhiều thập niên sau Thế chiến II, lực lượng tác chiến tàu sân bay Mỹ gần như không có đối thủ trên các đại dương thế giới. Tuy nhiên, ngày càng nhiều học giả và quan chức quân sự ở Washington lo ngại rằng Hải quân Trung Quốc (PLAN) có thể đang tìm cách thách thức vị thế đó của Mỹ.
Trước đây, Trung Quốc chỉ tập trung thực hiện chiến lược "chống xâm nhập, chống tiếp cận khu vực" trên biển theo mô hình của Liên Xô, bằng việc sử dụng đội hình kết hợp giữa máy bay, tàu ngầm và tàu mặt nước trang bị tên lửa diệt hạm. Nhưng gần đây, Bắc Kinh đang thúc đẩy ý tưởng phát triển lực lượng tác chiến xa bờ (hải quân biển xanh) để có thể thách thức Mỹ.
Trung Quốc đã cải tạo và đưa vào biên chế tàu sân bay Liêu Ninh với mục đích ban đầu là nghiên cứu, huấn luyện kỹ năng cần thiết để vận hành một không đoàn trên tàu sân bay. Đây là kỹ năng mà hải quân Mỹ đã đúc kết được sau hàng chục năm thử nghiệm với nhiều thất bại.
Trung Quốc đã phát triển mẫu máy bay J-15 sao chép từ tiêm kích hạm Su-33 của Liên Xô nhằm xây dựng không đoàn tương lai với 24 tiêm kích J-15, 6 trực thăng săn ngầm Z-18F, 4 trực thăng cảnh báo sớm Z-18J và hai trực thăng cứu hộ Z-9C.
Trong báo cáo sức mạnh quân đội Trung Quốc năm 2015, Lầu Năm Góc cho rằng tàu Liêu Ninh và không đoàn hiện nay vẫn chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh xa bờ như các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, ngay cả khi nó đi vào vận hành đầy đủ. Con tàu này quá nhỏ, chỉ thích hợp cho nhiệm vụ phòng thủ và cảnh giới trên không cho một hạm đội xa bờ.
Dù J-15 có hiệu suất khí động học tốt hơn mẫu F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, thiết kế đường băng kiểu nhảy cầu của tàu sân bay Liêu Ninh khiến tiêm kích này bị giới hạn tải trọng vũ khí và nhiên liệu mang theo.
Trung Quốc cũng nhận ra vấn đề này. Họ đã đóng thêm các tàu sân bay được thiết kế để phát huy tối đa khả năng của tiêm kích hạm J-15. Bắc Kinh tin rằng chúng sẽ giúp họ sở hữu hạm đội xa bờ, đủ sức thách thức hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc không có kinh nghiệm đóng tàu có kích cỡ lớn như tàu sân bay lớp Nimitz hay lớp Ford của Mỹ. Ngay cả tàu sân bay hạng trung như Liêu Ninh cũng được hoàn thiện cấu trúc ở Ukraine.
Ngay cả khi đóng được các tàu sân bay thế hệ mới, Trung Quốc vẫn còn phải khắc phục nhiều điểm yếu cố hữu khác, theo Majumdar.
Tiêm kích hạm Super Hornet của Mỹ được trang bị hệ thống điện tử và cảm biến tối tân, luôn tác chiến hiệp đồng theo nhóm, đặc biệt khi hệ thống Kiểm soát Hỏa lực Phòng không trên biển (NIFC-CA) đi vào hoạt động, giúp chúng kết nối theo thời gian thực với các tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay cảnh báo sớm trên không E-2D, tàu khu trục mang hệ thống Aegis, tuần dương hạm và các khí tài khác trong cụm tàu sân bay.
Tuần dương hạm trang bị tổ hợp Aegis có thể khai hỏa tên lửa SM-6 tới mục tiêu ngoài đường chân trời nhờ sử dụng dữ liệu do máy bay E-2D cung cấp. Tiêm kích Super Hornet có thể phóng tên lửa diệt hạm tầm xa (LRASM) nhằm vào khu trục hạm Type-052D của Trung Quốc, dữ liệu mục tiêu sẽ được truyền tải từ máy bay EA-18G qua hệ thống NIF-CA.
"Dù Trung Quốc có thể phát triển một tàu sân bay cùng không đoàn hoặc một cụm tác chiến hộ tống tàu sân bay, họ có thể vẫn cần hàng chục năm nữa để hoàn thiện, trước khi đủ sức đối đầu với hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương", Majumdar nhận định.
Tiêm kích J-15 phóng thử tên lửa chống hạm
Duy Sơn