Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, các chủng cúm rất khó phân biệt trên lâm sàng, bởi triệu chứng ban đầu đều là viêm long đường hô hấp gây sốt cao đột ngột, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh, đau họng, ho khan, chảy nước mũi, nước mắt, chán ăn.
Virus cúm lây nhiễm qua đường hô hấp và tiếp xúc. Khi người hoặc động vật hít phải hay tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus cúm do người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc thở mạnh. Hành động chạm vào bề mặt, đồ vật đã lây nhiễm, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng cũng tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể. Từ đây, virus kích hoạt hệ thống miễn dịch, tạo phản ứng gây viêm, thậm chí dẫn tới tử vong.
Nhiều quốc gia đang vật lộn với dịch cúm nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Tại Nhật Bản, số ca nhiễm cao nhất từ năm 1999, với 317.000 ca dương tính trong một tuần. Cúm cũng leo thang ở Hàn Quốc khi tỷ lệ ca nghi nhiễm tại các phòng khám tăng đột biến. Thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi là nhóm mắc nhiều nhất - cao hơn 17,6 lần - so với năm 2024.
Ở Mỹ, cứ 100.000 người có 14,4 người nhập viện do cúm - cao hơn tỷ lệ nhập viện trong giai đoạn cao điểm Covid-19 tháng 9/2021. Lần đầu tiên trong mùa cúm năm nay, mức độ nghiêm trọng được đánh giá là "rất cao". Cơ sở y tế kín chỗ, nhiều bệnh nhân nặng, tỷ lệ biến chứng thần kinh ở trẻ mắc cúm như co giật, viêm não hoại tử cấp tính gia tăng mạnh.
Tại Việt Nam, năm nay tỷ lệ nhiễm chủng cúm A/H3N2 có xu hướng tăng. Đây là chủng cúm A độc lực cao, thường liên quan đến các mùa cúm nghiêm trọng do lây lan nhanh và biến đổi liên tục.
Dấu hiệu đặc trưng của đợt cúm năm nay là biểu hiện "phổi trắng" trên phim chụp X-quang - mức tổn thương phổi nghiêm trọng. Đa số cúm thông thường không gây tổn thương phổi, tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân nặng, có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường. Sau khi hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại di chứng nặng nề. Vaccine cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và nhập viện, cũng như các biến chứng nghiêm trọng.