Các nhà khảo cổ khai quật 12 lăng mộ tồn tại từ thời nhà Nguyên ở ngoại ô phía đông thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Ancient Origins hôm 21/7 đưa tin. Trong đó, 11 công trình được trang trí với những bức bích họa chạm khắc tinh xảo trên tường gạch, công trình còn lại có phòng xây bằng đá, theo Li Ming, giám đốc Viện Nghiên cứu Khảo cổ Tế Nam.
Người xưa sử dụng đục và búa gỗ để chạm khắc họa tiết trên tường gạch, tạo ra những bức bích họa kỳ công. 11 lăng mộ có bích họa là những phát hiện quan trọng nhất trong chuyến khai quật, trưởng nhóm khai quật Xing Qi nhận xét. Chôn vùi dưới lòng đất hàng trăm năm, những bức tranh tường đầy màu sắc này là minh chứng tuyệt vời cho tay nghề của thợ thủ công thời xưa.
Những ghi chép tại địa điểm khai quật cho thấy cụm lăng mộ thuộc về một gia đình họ Guo. Đây cũng là cụm lăng mộ lớn nhất tỉnh Sơn Đông có bích họa trên tường gạch tồn tại từ thời nhà Nguyên.
Các lăng mộ được sắp xếp một cách trật tự và có kế hoạch, cho thấy chủ nhân của chúng có quan hệ huyết thống, Li cho biết. Điều này cung cấp thông tin mới để giới chuyên gia tìm hiểu về cách sắp xếp của các nghĩa trang gia đình thời nhà Nguyên.
Chuyến khai quật bắt đầu từ ngày 23/4. Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học cũng tìm thấy hơn 60 đồ gốm sứ, gương đồng, tiền xu bằng đồng và nhiều hiện vật khác.
Nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, sáng lập vào năm 1271với lãnh thổ rộng lớn thuộc Trung Quốc, Mông Cổ và Triều Tiên ngày nay. Hốt Tất Liệt nắm quyền cai trị cho đến khi chết vào năm 1294. Nhà Nguyên là triều đại ngoại tộc đầu tiên có thể thống trị Trung Quốc. Triều đại này kéo dài đến năm 1368, khi bị nhà Minh lật đổ. Nhà Nguyên được nhớ đến với những đóng góp trong chiêm tinh, toán học, công nghệ vũ khí, những đổi mới trong nghệ thuật gốm sứ và việc sử dụng tiền giấy.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)