Cúm B do virus lành tính gây ra cảm cúm thông thường ở người, lây qua đường hô hấp. Người mắc bệnh có các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng, ít khi xuất hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, cúm B là loại bệnh thời khí, hoạt động theo mùa. Điều kiện thời tiết chuyển giao như hiện nay rất thuận lợi cho virus cúm B phát triển. Thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày và diễn biến bệnh từ 3-5 ngày. Đối tượng nhiễm bệnh là tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mạn tính khác.
"Bệnh không nguy hiểm. Đa phần người mắc sẽ tự khỏi sau khi được nghỉ ngơi, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan với cúm B", lương y Sáng cho biết.
Bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời, nhất là với những người hệ miễn dịch yếu. Khi mắc cúm, người bệnh sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác, hoặc gặp biến chứng bệnh ở thể nặng, gây nguy hiểm.
Biến chứng nặng nhất của cúm B chính là suy hô hấp, biểu hiện rõ nhất là khi người mắc cúm đã quá 3 đến 5 ngày mà vẫn tiếp diễn, kèm triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu. Người bệnh sẽ tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Ngoài suy hô hấp, người mắc cúm B phải đối mặt với cúm ác tính nếu để lâu dài. Triệu chứng bệnh ban đầu giống như bệnh cúm thông thường, sau đó xuất hiện những biểu hiện do viêm phổi cấp tính dẫn tới thiếu ôxy máu và tử vong.
Phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu, cơ thể có nhiều biến đổi, suy giảm hệ miễn dịch. Nếu nhiễm cúm B, người mẹ có khả năng sinh non hoặc sảy thai.
Cách phòng tránh cúm B
Đây là bệnh khó phòng, khó cách ly, bởi chúng phát tán theo mùa trên diện rộng, lây qua đường hô hấp. Người hàng ngày giao tiếp với người mắc cúm thì rất dễ mắc bệnh, nhất là trong các môi trường tập thể, trường học, hoạt động xã hội...
Vì thế, lương y Sáng khuyên ngoài việc tiêm phòng cho trẻ, cần có những biện pháp cách ly khi trẻ bị nhiễm bệnh như không cho trẻ đến trường học, trường mầm non để lây sang những trẻ khác. Trong vùng có dịch, tất cả cần đeo khẩu trang khi đi đường cũng như khi tiếp xúc với người bệnh. Mỗi gia đình nên thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi ho, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc với người bệnh.
Khi có các triệu chứng sốt, ho, đau họng, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Thúy Quỳnh