Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Cúm là một bệnh truyền nhiễm tấn công hệ hô hấp và mang tính lây nhiễm. Virus cúm lây nhiễm ở người có thể được phân thành ba nhóm chính: A, B và C.
- Cúm A nghiêm trọng và có thể lây lan thành dịch bệnh.
- Cúm A và B là các dạng nhiễm trùng phổ biến, thường xuyên gây ra dịch bệnh theo mùa.
- Cúm loại C thường chỉ gây nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ.
Các triệu chứng phổ biến của cúm A có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Trong một số trường hợp nhẹ, cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể.
Biểu hiện
Không giống như cảm lạnh thông thường, cúm thường xảy ra khi xuất hiện các triệu chứng đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm:
- Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.
- Ho.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi.
- Đau họng.
- Đau đầu.
Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bạn nên đi khám bác sĩ. Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm như người từ 65 tuổi trở lên hoặc có hệ thống miễn dịch yếu, nên đi khám bác sĩ để điều trị sớm.
Chẩn đoán cúm A thông qua biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm phát hiện RNA virus cúm (trong vòng 30 phút).
Hậu quả, biến chứng
- Viêm tai giữa do cúm.
- Tiêu chảy, đau bụng.
- Buồn nôn, nôn.
- Chóng mặt.
- Đau ngực.
- Viêm phổi, viêm phế quản.
- Biến chứng tim mạch.
Điều trị
- Trong một số trường hợp, có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
- Các trường hợp khác sử dụng đơn thuốc chống virus.
Phòng ngừa
- Tăng cường sức đề kháng. Vệ sinh cơ thể và nơi ở thường xuyên như rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi bạn ho hoặc hắt hơi.
- Tránh đến những nơi đông người, đặc biệt là trong khi dịch cúm bùng phát.
Khuyến cáo
Cúm loại A là một bệnh virus truyền nhiễm có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Không nên nghĩ cúm là một cảm lạnh thông thường và tự điều trị cho mình.
Hầu hết những người bị cúm A sẽ hồi phục sau vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người sẽ bị biến chứng, đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong.
Nhóm nguy cơ cao là những người từ 65 tuổi trở lên; người mắc một số bệnh mạn tính (như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim); phụ nữ mang thai hoặc trẻ nhỏ dưới hai tuổi.
Thùy An