Gỗ, củi, rác thải phủ kín mặt hồ thủy điện Sông Tranh 2 khiến việc tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Trà Leng gặp khó khăn. Video: Đắc Thành.
Hồ Sông Tranh 2 rộng hơn 2.100 ha, thuộc huyện Nam Trà My và Bắc Trà My. Những ngày mưa lũ, nước từ sông Leng và sông Tranh chảy xuống lòng hồ mang theo rác, gỗ, củi, chủ yếu là cây keo tràm, nhánh, lau lách, lá cây. Nhiều diện tích củi, rác ken dày 5-50 cm, rộng cả nghìn mét vuông. Đây cũng là lý do khiến việc tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, gặp khó khăn.
Ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, cho biết gỗ, củi, rác chỉ ghi nhận tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, khu vực đập chính không có. Do đang trong mùa lũ, công ty chưa đánh giá được diện tích lòng hồ bị củi, rác phủ dày. "Sau khi đánh giá, nếu chúng ảnh hưởng đến môi trường thì chúng tôi phải thu dọn, nếu ít thì thôi", ông Toàn nói.
![Lực lượng tìm kiếm gặp khó khăn tìm kiếm 14 người mất tích trong vụ sạt lở núi thôn 1, xã Trà Leng trên mặt hồ thủy điện sông Tranh 2 bị củi, gỗ, rác thải phủ kín. Ảnh: Đắc Thành.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/04/a11111-4787-1604471173.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YnWJvhYoNp8hLph2VwBG3A)
Việc tìm kiếm 14 người mất tích ở Trà Leng gặp khó khăn do rác, củi ken kín mặt hồ thủy điện Sông Tranh 2 sau trận lũ quét ngày 28-29/10. Ảnh: Đắc Thành.
Tương tự, hồ thủy điện Đăk Mi 4, huyện Phước Sơn, rộng hơn 10 km2 trải rộng trên nhiều xã. Trong đó xã Phước Chánh, nơi thượng nguồn sông Đăk Mi và nhiều con suối đổ về giáp với mặt hồ bị rác, gỗ tự nhiên, gỗ trồng, củi phủ dày.
Ngày 31/10, một số dân xã Phước Chánh xuống lòng hồ vớt gỗ, vốn là cột kèo nhà bị cuốn trôi. Ông Hồ Văn Huy, Chủ tịch xã Phước Chánh, cho biết đã cử người của xã cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi ứng trực không cho người dân xuống lấy gỗ, củi, tránh tai nạn.
![Một đoạn mặt hồ Đăk Mi 4, qua xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn bị củi, gỗ, rác thải phủ kín. Ảnh: Đắc Thành.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/04/anh-3-9436-1604471173.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EVdppZM3EUqOWRocxrmdkA)
Một đoạn mặt hồ Đăk Mi 4, qua xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn bị củi, gỗ, rác thải tấp kín. Ảnh: Đắc Thành.
Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho hay, 80% diện tích mặt hồ bị che phủ là rác, số còn lại là cây gỗ tự nhiên đường kính dưới 30 cm và gỗ trồng. Lở núi ở thượng nguồn làm gỗ bị cuốn trôi xuống hồ, kết hợp với rác thải, gỗ trồng kết dính.
Trước việc một số người dân xuống vớt gỗ, kiểm lâm và công an đã tuyên truyền, yêu cầu người dân đưa gỗ về trụ sở xã tập kết, sau này những ai bị mất nhà đến nhận; cấm xuống hồ vớt gỗ, củi.
Do ảnh hưởng của bão Molave kết hợp với gió đông trên cao, tỉnh Quảng Nam mưa rất to trong các ngày 28-29/10. Ba huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn xảy ra nhiều vụ sạt lở đất làm 27 người chết, 46 người bị thương; đến nay còn 19 người mất tích.