Cho đến nay, khi giải quyết những tranh chấp có liên quan đến sở hữu công nghiệp, các cơ quan chức năng thường phải gửi công văn hỏi ý kiến Cục Sở hữu trí tuệ để xác định phải trái. Căn cứ vào trả lời của Cục, quản lý thị trường, công an, hải quan... mới ra quyết định giải quyết tranh chấp. Tiền lệ này đặt Cục Sở hữu trí tuệ vào tình thế "vừa đá bóng, vừa thổi còi", vừa cấp đăng ký bảo hộ cũng vừa giám định mình đã cấp đúng hay sai.
Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 105 hướng dẫn thi hành luật này, có hiệu lực ngày 21/10, đã giải phóng cho Cục khỏi tình trạng trên, chuyển công tác giám định sở hữu công nghiệp về cho các cơ quan thi hành cấp cơ sở.
![]() |
Khung võng xếp Trường Thọ từng bị Duy Lợi tố là vi phạm kiểu dáng sở hữu công nghiệp. Ảnh: P.A. |
Trao đổi với VnExpress, Chánh thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ Lê Văn Kiều cho biết, việc giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng khi ra quyết định xử lý tranh chấp là phù hợp với xu hướng chung cũng như quy định đòi hỏi của Tổ chức thương mại thế giới.
Khoản 1, điều 39, Nghị định 150/NĐ-CP quy định, những công việc được coi là giám định về sở hữu công nghiệp, do tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, giám định viên sở hữu công nghiệp thực hiện bao gồm: xác định tình trạng pháp lý, khả năng bảo hộ đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, phạm vi quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ... Xác định các chứng cứ để tính mức độ thiệt hại, các yếu tố xâm phạm, chứng minh hàng hóa xâm phạm, những chứng cứ, tình tiết của vụ tranh chấp... không thuộc trách nhiệm của Cục Sở hữu trí tuệ nữa. |
"Những tranh chấp phát sinh về quyền sở hữu trí tuệ sẽ do quản lý thị trường, công an, hải quan, tòa án... ra quyết định giải quyết và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Còn Cục Sở hữu trí tuệ chỉ cung cấp thông tin liên quan đến việc bảo hộ sản phẩm để các cơ quan tham khảo", ông Kiều giải thích. Hiện Cục Sở hữu trí tuệ chỉ tiếp nhận đơn giám định nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Tuy nhiên, các đơn vị thừa hành đang ngại ôm thêm trách nhiệm. Ngay việc "chịu trách nhiệm" là như thế nào, mỗi cơ quan chức năng cũng hiểu một khác.
Đại diện Chi cục quản lý thị trường TP HCM nói rằng, nếu đơn vị này phải chịu trách nhiệm về các quyết định xử phạt vi phạm sở hữu công nghiệp của mình mà không có tham mưu, trường hợp ra tòa phán quyết Chi cục sai, đơn vị này khó lòng ôm hết toàn bộ hậu quả.
Nhiều đại diện các cơ quan công an, đội quản lý thị trường... cũng nản lòng mà nói rằng, thà họ không xử phạt vi phạm còn hơn phải chịu trách nhiệm nếu xử lý sai.
Những tiếng nói tích cực hiện còn rất ít ỏi. Ông Nguyễn Thanh Hiếu, đội Cảnh sát kinh tế quận Bình Chánh thì cho rằng, việc phân cấp trách nhiệm tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong xử lý tranh chấp ở cơ sở hơn. Điển hình như vụ giải quyết tranh chấp kiểu dáng công nghiệp võng xếp giữa 2 doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi và Duy Phương mới đây.
Theo ông Hiếu, quy trình gửi mẫu giám định, có công văn chờ ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ, mất đứt 2 tháng mới ra được quyết định xử lý vi phạm. Còn với quy định mới, công an kinh tế có quyền ra quyết định giám định nếu thấy cần thiết, các trường hợp khác chỉ cần căn cứ thông tin xác nhận tình trạng bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm của Cục là có thể xử lý luôn. Doanh nghiệp cũng được lợi vì thời gian giải quyết nhanh hơn.
Phan Anh