Lượng hồ sơ liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa tăng đột biến. |
Văn bản mới cũng đổi tên Cục Sở hữu Công nghiệp thành Cục Sở hữu Trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Như vậy, kể từ ngày 22/6 tới (ngày Nghị định 54 bắt đầu có hiệu lực), Cục Sở hữu Công nghiệp sẽ không còn chức năng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Sở hữu Công nghiệp Phạm Đình Chướng cho rằng, công việc đăng ký nhãn hiệu đã đi vào nền nếp từ 20 năm nay, với quy trình làm việc được xây dựng và tích lũy từ kinh nghiệm thực tế và học tập của nước ngoài. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, chuyên gia và cán bộ cũng đã được đầu tư và đang phát huy hiệu quả. Theo ông Chướng, nếu công việc này chuyển giao sang một đơn vị hoàn toàn mới và phải bắt đầu lại từ đầu thì quả là một sự lãng phí trong đầu tư.
Hơn nữa, thời gian Nghị định 54 có hiệu lực sắp đến, vậy mà hiện vẫn chưa có quyết định chuyển giao chức năng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sang cơ quan khác. “Vì quá gấp gáp, nếu không chuẩn bị kịp, sẽ có một thời gian gián đoạn và chắc chắn là sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Chướng nói.
Điều 785 Bộ luật Dân sự quy định: “Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”. |
Một số chuyên gia cho rằng, theo xu thế chung của thế giới, mọi hoạt động liên quan tới sở hữu trí tuệ đều thuộc sự quản lý của một cơ quan duy nhất. Có đến 7 nước ASEAN đang thực thi mô hình này, gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Brunei và Philippines. Nay, với quy định mới, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ bị tách khỏi chức năng của Cục Sở hữu Công nghiệp, trong khi cơ quan này vẫn làm nhiệm vụ xác lập và quản lý một số hoạt động sở hữu trí tuệ khác như sở hữu về công nghệ, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm... Như vậy, vô hình chung, một doanh nghiệp nếu muốn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sẽ phải đến ít nhất hai nơi để làm thủ tục.
Theo nguồn tin riêng của VnExpress, có thể Bộ Thương mại sẽ đảm trách việc cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa bởi hoạt động này liên quan đến doanh nghiệp. Toàn bộ Phòng đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu công nghiệp, kể cả nhân lực, cơ sở dữ liệu, công nghệ cũng có thể sẽ chuyển sang Bộ Thương mại. Tuy nhiên, dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này vẫn đang nằm trên giấy và chờ ngày ký ban hành. Bình luận về thông tin này, Ông Chướng cho rằng, thông thường, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là một hoạt động thuộc phạm vi sở hữu trí tuệ, được thực hiện trên mọi loại đối tượng sản phẩm chứ không chỉ giới hạn ở các loại hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, Bộ Thương mại chỉ quản lý đối với một số ngành hàng nhất định mà thôi.
Một cán bộ Phòng Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho VnExpress biết, kể từ khi nghị định mới được ký ban hành (19/5), số đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận sở hữu nhãn hiệu và đơn xin gia hạn, sửa đổi văn bản tăng đột biến. Đặc biệt trong tuần từ 23/5 đến 2/6, lượng đơn đăng ký mới là 316, gia hạn và sửa đổi là 150, tăng gấp rưỡi so với bình thường. Hiện có khoảng 10.000 hồ sơ liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa đang chờ giải quyết. Các cán bộ Cục Sở hữu Công nghiệp đang phải làm việc cả ngày thứ 7 và chủ nhật để cố gắng hoàn tất các đơn đến hạn phải trả cho doanh nghiệp. Toàn bộ hồ sơ nộp trong thời gian từ 1/5 đến 21/6 sẽ được niêm phong và chuyển giao sang đơn vị mới.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quá chậm. Theo quy định của luật thì là 12 tháng nhưng nhiều khi phải mất đến 13-14 tháng.
Song Linh
Ảnh: Anh Tuấn