Cục Hàng không vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông về việc xây dựng mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không.
Cụ thể, Cục Hàng không đề xuất, các cảng hàng không nhóm A, B, bao gồm Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ tăng giá dịch vụ 15% so với mức hiện hành. Mức giá mới vào giờ cao điểm sẽ tăng thêm 15% và giảm 15% vào giờ thấp điểm.
Các cảng hàng không nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% so với cảng nhóm B trong giờ cao điểm.
Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, lộ trình điều chỉnh giá áp dụng từ ngày 1/7 là tăng 5%. Tiếp đó, từ ngày 1/1/2018, tiếp tục tăng thêm 10% nữa so với giá hiện hành.
Ngoài ra, mức giá một số dịch vụ khác cũng sẽ được điều chỉnh tăng, như dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ tăng từ 1,5 USD lên 2 USD mỗi khách đối với tuyến quốc tế, và từ 9.000 đồng lên 18.000 đồng/khách trên tuyến quốc nội.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, mức giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa đã được duy trì ổn định từ năm 2011 đến nay. So với bình quân khu vực ASEAN, mức giá bay của Việt Nam là khá thấp, chỉ bằng 47 - 67% các nước trong khu vực.
Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không (ACV) Lê Mạnh Hùng cho biết, để đảm bảo doanh thu về dịch vụ cất, hạ cánh đối với chuyến bay nội địa, mức giá dịch vụ này cần được điều chỉnh tăng tới 225% so với hiện tại. Và để có thể lãi 10%, con số này cần được điều chỉnh tăng tới 258%.
Về giá dịch vụ an ninh hàng không, phía ACV cho biết, mức thu hiện nay của Việt Nam thấp hơn so với khu vực ASEAN, như Singapore áp mức 6 USD, Myanmar 6,5 USD, Campuchia 3 USD và Trung Quốc là 2 USD cho mỗi hành khách cả quốc nội và quốc tế.
Theo tính toán của ACV, nếu đề xuất được Bộ Giao thông chấp thuận, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 143 tỷ đồng/năm, tương đương 5.100 đồng mỗi hành khách (chiếm tỷ lệ 0,1% giá vé máy bay). “Tỷ lệ quá nhỏ này không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay”, đại diện ACV cho biết.
Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay, một số cảng hàng không đang quá tải vào giờ cao điểm, chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội. Do vậy, đề xuất xây dựng chính sách giá cất, hạ cánh với chuyến bay quốc nội theo khung giờ để các hãng điều chỉnh giờ bay phù hợp với năng lực khai thác của các sân bay.
Ngoài ra, việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sẽ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng thời có nguồn tích lũy để nâng cấp, đầu tư mới đường băng, đường lăn ở nhiều sân bay trong bối cảnh ngân sách hạn chế.
Đoàn Loan