Chuyên đề về hàng không trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam sáng 9/12 đề cập nhiều tình trạng khan hiếm nhân lực, không chỉ tại các hãng mà ngay ở cơ quan quản lý.
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam, cho biết việc cơ quan này phải giảm biên chế gây khó khăn không chỉ cho cục mà cả ngành hàng không. Ông dẫn ví dụ, theo quy định hiện tại, 2 người nghỉ hưu, cục mới được tăng 1 người, trong khi đội tàu bay của các hãng nội địa thời gian qua tăng đột biến. Như vậy, mỗi khi các hãng tăng 10 máy bay mới, cục cũng cần thêm 2 nhân sự giám sát an toàn khai thác tàu bay. Do đó, ông Cường đánh giá, đây là nút thắt lớn, chủ yếu do cơ chế chính sách.
"Không đáp ứng được điều kiện trên, hàng không Việt Nam sẽ bị hạ cấp xuống như Indonesia, Malaysia, Philippines... Điều này chắc chắn sẽ làm giảm uy tín của các hãng bay khi ra thị trường quốc tế", ông Cường nói.
Do đó, Phó cục trưởng Hàng không cho biết, sắp tới có thể phải thông báo tới các hãng "không được nhận thêm tàu bay mới". Ông lý giải, nếu vài năm tới, cục không được thêm 8 biên chế giám sát viên, các hoạt động bay vẫn sẽ chỉ dừng ở mức hiện tại.
Cũng do vướng cơ chế, 2 năm nay, Cục Hàng không không thể trả tiền cho Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar hay Hải Âu khi thuê phi công của họ làm giám sát viên an toàn bay. Ông Cường cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp ưu đãi để thu hút nhân lực trong lĩnh vực đặc thù như hàng không. Với nghề giám sát viên an toàn bay, nhân sự phải từng làm phi công. Nhà nước không thể tạo ngay một nhân sự có trình độ, kinh nghiệm như vậy.
"Hiện nay, lương phi công trung trình từ 120 triệu đến 300 triệu, Cục không thể có tiền trả. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi để thu hút phi công về làm cho cục, không thì họ vẫn đi bay cho các hãng", ông Cường nói. Ngoài giám sát viên an toàn bay, Cục còn thiếu nhân sự các vị trí khác như quản lý bay, an ninh hàng không hoặc cảng...
Hồi đầu tháng 10, một số hãng như Vinpearl Air, Bamboo Airways, KiteAir... cũng đề xuất cử nhân sự sang cục Hàng không làm giám sát viên bay. Tuy nhiên, Cục cho biết, sẽ xem xét các tiêu chí để chấp thuận đề nghị.
Về phần mình, Cục phó Hàng không Việt Nam vẫn khẳng định, luôn đảm bảo điều hành vùng thông báo bay hiệu quả, an toàn trong mọi điều kiện thời tiết với đội ngũ nhân lực, công nghệ luôn được cập nhật. Cục đang có hợp tác với các tổ chức chuyên môn về quản lý bay tại Australia, New Zealand, Pháp...
Không chỉ thiếu nhân sự tại cơ quan quản lý, tình trạng này cũng đang xảy ra tại các hãng hàng không Việt Nam. Ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng đang thiếu phi công, đặc biệt phi công lái máy bay Boeing 787 và kỹ thuật viên máy bay.
"Vừa rồi, do thiếu phi công, Vietnam Airlines đã phải dừng hoạt động một số máy bay Boeing 787 để đảm bảo an toàn", ông Hà nói.
Trước tình trạng này, Vietnam Airlines phải ra nước ngoài tìm kiếm phi công 787 trong bối cảnh thế giới cũng thiếu tương tự. Đồng thời, hãng cũng phải tìm kiếm nhà khai thác mới nhưng cũng cần đến 6 tháng để thay đổi nhà khai thác.
Theo ông Hà, để có 1 phi công lái máy bay thân hẹp cần 4,5 năm, còn thân rộng như Boeing 787 cần 7,8 năm. Kỹ sư máy bay cũng phải mất 3,4 năm. Về dài hạn, học viện hàng không vừa được mở nhưng 3-5 năm tới mới có lực lượng đáp ứng. Do đó, hãng phải cân đối khả năng đáp ứng chi phí để thuê nhân sự ngoài dù vẫn tiếp tục mở rộng học viện, trường đào tạo.
Đại diện cho Vietjet Air, đơn vị cũng đã vận hành học viện hàng không, ông Chu Việt Cường, thành viên HĐQT cho rằng, thực tế thế giới nhiều nơi phi công vẫn thừa.
"Quan trọng các hãng cần tổ chức để tiếp cận được thị trường phi công quốc tế, tuyển được người phù hợp", ông Cường nói. Ngoài ra, ông cũng đề xuất, Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ lên một "master plan" (kế hoạch tổng thể) quy hoạch nhu cầu nhân lực hàng không. Ông cho rằng, dù không thể làm hết, Nhà nước vẫn cần có một kế hoạch rõ ràng bởi đây sẽ là nút thắt lớn cho ngành trong tương lai gần.
Nhân sự là một vấn đề rất nóng trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam liên tục đón thêm các tên tuổi mới. Theo đề án đánh giá tác động gửi Cục Hàng không năm ngoái, Vietnam Airlines lần lượt cần tăng 222 và 452 phi công năm 2020 và năm 2025. Trước đó, Cục Hàng không cũng từng dự báo đến năm 2025, tổng số máy bay khai thác tại Việt Nam sẽ đạt gần 450 chiếc. Do đó, Cục cũng cần bổ sung thêm 37 giám sát viên bay (so với năm 2019) để có thể đảm bảo năng lực giám sát khai thác đội bay của các hãng.
Từ đầu năm nay, nhiều hãng bay tại châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc... có thời điểm không thể thực hiện chuyến bay vì thiếu phi công đạt chuẩn hay tổ bay đình công. Boeing mới đây dự báo, ngành hàng không toàn cầu cần 790.000 phi công đến năm 2037, trong khi Airbus cho rằng, đến năm 2035, thế giới cần gần nửa triệu phi công.
Anh Tú