Tại tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc" ngày 23/11, bà Phan Thị Thu Hiền nói, bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP HCM) đã được xây dựng nhiều năm, có thời gian để người dân quen dần với thói quen đi lại. Nhưng với việc thay đổi hàng nghìn tuyến xe cố định, cơ quan quản lý phải đánh giá xem người dân có đi lại được không.
Bà Hiền nói không phải xe không vào bến mới mà do người dân ít có nhu cầu đi lại tại bến xe Miền Đông mới. Bến quá xa (cách trung tâm TP HCM gần 20 km), nhiều người không muốn di chuyển xuyên thành phố mất thời gian, tốn kém. Việc tổ chức luồng tuyến từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe mới chưa hợp lý, bố trí giao thông công cộng để kết nối các phương thức vận tải cũng chưa kịp thời. Đây là nguyên nhân dẫn đến xe dù, bến cóc, xe đón khách trái phép trên phố, chạy lòng vòng gây ùn tắc, tai nạn.
TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho rằng cách tổ chức và bố trí bến xe xa khu vực người dân đang sinh sống là bất cập. Bến xe Miền Đông mới sẽ phục vụ nhu cầu tương lai của không gian đó. Có bến xe mới không có nghĩa triệt tiêu hoàn toàn điều kiện hạ tầng kết nối vận tải liên tỉnh của bến xe cũ, nơi hàng triệu dân đang sinh sống. Cơ quan chức năng vẫn phải đáp ứng nhu cầu người dân trong không gian bến xe cũ.
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, đưa vào khai thác tháng 10/2020. Sau hai năm vận hành, từ ngày 11/10, TP HCM dời thêm 79 tuyến mới với khoảng 1.600 xe từ bến cũ, quận Bình Thạnh, qua bến xe Miền Đông mới, nâng tổng số tuyến qua đây lên hơn 100. Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng đổi luồng tuyến, mỗi ngày bến xe mới giảm gần 300 chuyến. Tình trạng xe dù, bến cóc khu vực nội đô có chiều hướng gia tăng, gây ùn tắc, rối loạn giao thông.
Giải pháp nào hạn chế xe dù, bến cóc?
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện nay có 18.340 xe khách, 222.780 xe hợp đồng. Điều này cho thấy xe khách không đáp ứng được nhu cầu nên người dân chuyển sang phương thức khác là xe bus hoặc xe hợp đồng. Để các bến thu hút hành khách, hạn chế xe dù, bến cóc, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết thời gian sắp tới Cục sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường rà soát quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong đô thị như là các bến xe, điểm đón trả khách.
"Chúng tôi đề nghị các địa phương thận trọng khi điều chỉnh vị trí bến xe, tránh tình trạng bến đang hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân thì điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị, người dân", bà Hiền nói.
TS Khuất Việt Hùng cho rằng các địa phương phải làm tốt quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ vận tải hành khách và bố trí điểm đón trả khách thuận tiện. Hiện nhiều địa phương, đặc biệt là thành phố lớn Hà Nội, TP HCM không quan tâm bố trí điểm đón, trả khách. Trong khi đó, Nghị định 86, mới đây là Nghị định 10 thiếu quy định địa phương quy hoạch và tổ chức những điểm đón, trả khách cho xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải khách.
Một giải pháp khác hạn chế xe dù là kiểm tra xe kinh doanh vận tải khách qua thiết bị giám sát hành trình, xem xe tuyến cố định nào vào bến, đi đúng tuyến hay không. Các Sở Giao thông Vận tải cần được phân quyền khai thác thiết bị, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để có thể quản lý từng xe.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), cho biết cảnh sát giao thông đã và sẽ tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nhất là xe khách vi phạm về tốc độ, dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định. Cảnh sát cũng phối hợp với thanh tra giao thông, công an địa phương xử lý từ gốc, xóa các điểm đỗ xe trái phép.
Thượng tá Minh đề nghị khi có hiện tượng cò mồi, bảo kê, tụ tập thành nhóm để chèn ép, hành khách cần thông báo đến công an phường, đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát hình sự, nhanh nhất là theo số 113.