Sáng 18/5, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình của ngành. Nhiều vấn đề nóng trong các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, quản lý biểu diễn... được đưa ra bàn bạc.
Trong lĩnh vực điện ảnh, nổi cộm gần đây là việc phim ngoại lấn át phim Việt. Vấn đề được đặt ra là làm sao để tăng thị phần cho điện ảnh trong nước. Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Điện ảnh Việt Nam - cho rằng hiện tại phim Việt khó cạnh tranh.
Từ năm 2016 đến nay, không có phim do nhà nước đặt hàng bởi bị kẹt ở khâu đầu tư. Theo bà Lan, luật Điện ảnh hiện tại yêu cầu các nhà sản xuất phim phải đấu thầu trước khi xin Bộ Tài chính duyệt chi ngân sách Nhà nước. "Bộ Tài chính phải căn cứ vào luật này để thi hành nhưng lại không có thông tư hướng dẫn đấu thầu. Thông tư này từng được đưa vào dự thảo và chỉnh sửa trên dưới 10 lần nhưng giờ vẫn chưa hoàn thành", bà Lan nói.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Điện ảnh cho biết hệ thống rạp Nhà nước có khoảng 100 đơn vị nhưng trừ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, những nơi còn lại đều hoạt động không hiệu quả bởi hầu hết sử dụng máy chiếu phim nhựa 35 mm, đã quá lỗi thời so với chuẩn kỹ thuật số mà thế giới đang sử dụng.
Theo bà Ngô Phương Lan, năm 2017, Việt Nam đạt 3.250 tỷ đồng trong lĩnh vực điện ảnh. Trong đó, doanh thu từ phim Việt chiếm 28% nhờ quy định số suất chiếu phim Việt ở mỗi rạp phải chiếm 20% trên tổng số (theo nghị định 54). Tuy vậy, phim trong nước vẫn bị phim ngoại lấn át về sức cạnh tranh.
"Doanh nghiệp nước ngoài chiếm số lượng lớn và nhập phim thoải mái nên họ sẽ có sự chi phối thị trường, cơ quan quản lý nhà nước khó định hướng. Việt Nam đã gia nhập WTO, đồng nghĩa không có giới hạn về hạn ngạch (biện pháp quản lý của nhà nước việc nhập, xuất khẩu hàng hóa nhằm bảo hộ thị trường). Phim Việt tăng bao nhiêu cũng không lại với phim ngoại. Chúng ta cũng không có hàng rào kỹ thuật nào để giải quyết vấn đề này", Cục trưởng nói.
Bà Lan nhận định việc cổ phần hóa các doanh nghiệp điện ảnh trong nước kém hiệu quả cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành. Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp lời: "Lĩnh vực này nếu cổ phần không ai mua, kể cả đối với hãng phim Giải Phóng". Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan quản lý chỉ có cách duy nhất là tìm biện pháp để hạn chế phim ngoại nhập và tăng phim trong nước sản xuất.
Vấn đề thanh tra cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam được nhắc lại. Ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam - đề nghị Bộ trưởng Mai Tiến Dũng báo cáo Thủ tướng sớm công bố kết quả thanh tra. Điều này giúp ổn định tinh thần, tạo động lực sáng tạo cho giới nghệ sĩ cũng như định hình được mô hình phát triển bền vững cho các đơn vị điện ảnh Nhà nước. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận ý kiến này.
* Đối thoại căng thẳng ở Hãng phim truyện Việt Nam về việc cổ phần hóa
Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn (viết tắt: Cục NTBD) - chia sẻ về tinh thần sửa đổi nghị định 79 sắp tới. Ông cho biết cơ quan quản lý vẫn sẽ tiến hành cấp phép cho các ca khúc sáng tác trước năm 1975. Theo Cục trưởng, nhiều bài hát được viết cách đây rất lâu nhưng chưa được phổ biến. Ngoài ra, một số tác phẩm mới sáng tác nhưng lại mang tư tưởng cũ. Tuy nhiên, Cục sẽ mở rộng phạm vi xét duyệt. Cụ thể, bài hát nào không trực tiếp liên quan đến chính trị, không xâm phạm lợi ích dân tộc, chỉ nói về tình cảm, yêu đương... thì xem xét cấp phép. Dự kiến, sau khi lấy ý kiến của các ban, ngành về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ sẽ trình Chính phủ vào tháng 11.