Dịp lễ 30/4 và 1/5, Avengers: Infinity War - bom tấn Hollywood - chiếm gần 70% số suất chiếu ở rạp Việt. Trong khi đó, hai phim Việt - Lật mặt 3 (ra mắt từ tuần trước) và 100 ngày bên em (chiếu cùng ngày phần ba Avengers) - được đánh giá tốt nhưng có số chiếu ít ỏi.
Điều này làm dấy lên câu hỏi về vai trò của nhà nước trong việc điều tiết ngành điện ảnh. Nhiều ý kiến cho rằng nên có chính sách bảo hộ phim Việt. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: "Tôi ủng hộ phải có biện pháp bảo hộ thị trường. Đấy là điều đương nhiên nếu muốn nền công nghiệp phát triển trong điều kiện non trẻ của thị trường hiện tại". Đồng ý kiến, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận xét nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ra chính sách.
* Trailer "Avengers: Infinity War"
Anh Nguyễn Phong Việt - người làm nhiều năm trong ngành phát hành - ủng hộ việc áp dụng tỷ lệ thị phần tối đa cho một phim. Theo đó, một phim không được chiếm quá 40-60% tổng số suất chiếu ở rạp. "Đây là việc nên và cần làm bởi với một thị trường còn quá nhỏ như Việt Nam, để cạnh tranh sòng phẳng là rất khó, nhất là khi chúng ta thua người khác hầu như mọi mặt", anh nói. Tuy nhiên, các đạo diễn và nhà phát hành đều cho rằng việc bảo hộ phải tính đến các yếu tố như tự do thương mại và không xâm phạm đến quyền lợi của khán giả - được xem các phim chất lượng ở rạp.
Việc đề ra chính sách bảo hộ phim nội xuất hiện ở một số quốc gia. Một số nước đề ra quy định hạn ngạch màn ảnh (screen quota), tức bắt buộc các rạp dành một số lượng suất chiếu cụ thể cho phim nội. Hàn Quốc là một ví dụ nổi bật gần đây và có hoàn cảnh gần với Việt Nam. Từ năm 1967, chính phủ nước này quy định mỗi rạp phải chiếu hơn sáu phim nội mỗi năm với tổng ngày chiếu hơn 90. Đến năm 1973, họ thay đổi quy định, buộc mỗi rạp phải chiếu phim Hàn Quốc trong hơn 1/3 số ngày mỗi năm. Năm 2006, sau hiệp định thương mại với Mỹ, chính phủ Hàn Quốc giảm số ngày buộc chiếu phim nội mỗi năm xuống còn 73.
* Trailer "Lật mặt 3"
Khi ra mắt ở Hàn Quốc cuối tuần qua, Avengers: Infinity War thu 39,1 triệu USD (4,76 triệu vé) trong 5 ngày, chiếm 95% doanh thu phòng vé Hàn Quốc. Phim tài liệu Intention - kể về vụ chìm phà Sewol lịch sử - đứng thứ hai phòng vé với chỉ 1% tổng doanh thu ở Hàn Quốc. Bom tấn Marvel được chiếu ở 85% số rạp, bao gồm 978 rạp CGV, 773 rạp Lotte và 577 rạp Megabox. Theo Variety, hiện tượng của Avengers: Infinity War có thể khiến các nhà làm luật Hàn Quốc siết chặt hơn nữa việc trình chiếu phim ngoại. Ông Cho Seung Rate - một thành viên của đảng cầm quyền - cho biết một dự luật đang được trình lên quốc hội, trong đó quy định một phim không được chiếm quá 40% tổng số suất chiếu.
Trung Quốc đề ra giới hạn về số phim nước ngoài được nhập. Theo Reuters, từ năm 2012, chỉ có 34 phim ngoại được chiếu ở rạp nước này mỗi năm. Có những lúc, chính phủ hoãn nhập phim Mỹ để chiếu các phim trong nước. Năm ngoái, việc này diễn ra từ ngày 12/7 đến ngày 25/8, khiến Chiến lang 2 (ra mắt ngày 27/7) có khoảng trống lớn ở phòng vé để lập doanh thu kỷ lục. Năm 2017, doanh thu đến từ các phim Mỹ chỉ chiếm 25% tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 40% năm 2016. Một số nước khác hiện áp dụng hạn ngạch màn ảnh là Brazil, Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha...
Anh là nơi đầu tiên đề ra chính sách sách hạn ngạch màn ảnh với Đạo luật Phim ảnh 1927, quy định 7,5% số phim chiếu phải là phim Anh (để chống lại làn sóng phim nhập từ Hollywood). Đến năm 1935, mức này được nâng lên 20%.
Theo nghiên cứu của nhà lý luận điện ảnh Hàn Quốc - Lee Byoungkwan và Bae Hyuhn Suhck - đăng trên báo Media Economics, hạn ngạch màn ảnh từ lâu là vấn đề gây tranh cãi. Các nhóm ủng hộ hạn ngạch xem phim ảnh là một "ngoại lệ văn hóa" (có tính chất văn hóa đặc thù, không thể xem là sản phẩm thông thường). Theo họ, sự chiếm ưu thế của phim Mỹ có thể đe dọa bản sắc văn hóa của các quốc gia và ngành phim nội địa. Nhóm này dẫn chứng trường hợp của Mexico - quốc gia bỏ hạn ngạch màn ảnh năm 1993 sau một hiệp định thương mại với Mỹ. Trong 10 năm sau, ngành phim ảnh nước này suy giảm mạnh với chỉ 30-40 phim một năm, thay vì 100 như trước đó.
Park Chan Wook - đạo diễn Hàn Quốc kỳ cựu - ủng hộ hạn ngạch và cho rằng đây là tiền đề để điện ảnh nước này phát triển mạnh, chỉ sau vài thập niên đã có thể cạnh tranh với các phim Mỹ trên sân nhà. Năm 2006, khi chính phủ Hàn Quốc định giảm hạn ngạch (tức khiến phim ngoại có nhiều suất chiếu hơn), nhà làm phim đã đến Liên hoan phim Berlin (Đức) với tấm biển: "Phim Hàn Quốc đang lâm nguy. Không có hạn ngạch, Oldboy (tuyệt phẩm của Park Chan Wook) không thể ra đời". Theo Variety, Park cùng những người ủng hộ hạn ngạch xem đây là biểu tượng cho sự bảo vệ và tính đa dạng của văn hóa trước các thay đổi có tính toàn cầu hóa trong thương mại quốc tế.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ chỉ trích hệ thống của Hàn Quốc dựa trên quan điểm thương mại tự do và xem phim ảnh như một dạng hàng hóa cần phải được cạnh tranh công bằng. Ủy ban Thương mại công bằng nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc bảo vệ quyền chọn lựa của những người xem phim lẫn quyền của rạp có thể chọn thứ họ muốn chiếu.
Trong nghiên cứu của mình, Lee Byoungkwan và Bae Hyuhn Suhck phân tích doanh thu phim qua các giai đoạn và kết luận rằng hạn ngạch không có ảnh hưởng lớn đến khả năng trụ vững của điện ảnh nội. Trên Korea Focus, giáo sư Cho Hee Moon (Đại học Arts Sangmyung) cho rằng đây chỉ là một trong các phương pháp giúp điện ảnh nội chứ không có vai trò quyết định. Sự tiến bộ của các nhà làm phim Hàn Quốc cùng kỹ thuật tiên tiến được cho là đóng góp rõ nét hơn cho sự khởi sắc của điện ảnh nước này.
Ở Anh, theo tập sách nghiên cứu Quota Quickies: The Birth of the British 'B' Film của hai tác giả Steve Chibnall và Brian McFarlane, chính sách hạn ngạch màn ảnh của thập niên 1920 gây tác dụng ngược khi một loạt các phim hạng B được sản xuất vội vàng với chất lượng thấp. Chúng bị gọi châm biếm là "phim làm nhanh cho hạn ngạch" (quota quickie). Đến năm 1960, đạo luật bị xem là thất bại và bị gỡ bỏ.
Ân Nguyễn