Tại hội thảo về xây dựng môi trường an toàn cho người lao động, do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng báo Lao động tổ chức chiều 17/4, thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó Phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, đánh giá tín dụng đen trên không gian mạng bùng nổ không kém ngoài đời thực. Hiện có hàng trăm ứng dụng cho vay tồn tại trên mạng, người vay phần lớn là công nhân, lao động.
Đường dây tín dụng đen thường do ba nhóm cấu kết, gồm người nước ngoài trực tiếp xây dựng, quản lý công nghệ, vận hành nền tảng, app cho vay; các công ty cho vay nặng lãi, trực tiếp sử dụng app cho vay và các công ty thu chi hộ, trung gian thanh toán để giải ngân và thu nợ, lãi vay khách hàng.
Thủ đoạn của chúng là chia nhỏ bộ phận, làm việc ở nhiều nơi khác nhau, thường xuyên thay đổi địa điểm lẫn đơn vị trung gian thanh toán khoản vay khách hàng. Mọi việc từ giải ngân, tư vấn đều qua mạng, dùng sim điện thoại "rác" để nhắc nhở thu hồi nợ.
Quý I/2024, Công an TP Hà Nội triệt phá số vụ liên quan tín dụng đen tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Năm ngoái, công an phát hiện, điều tra, xử lý hình sự 32 vụ với 118 đối tượng. Thiếu tá Lê Văn Ước, Phó phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội, nói đây chỉ là số ít do lao động ngại không trình báo, sợ bị trả thù hoặc lo công an làm rõ mục đích khoản vay dùng vào việc không chính đáng.
Công an rà soát trên địa bàn Hà Nội có 48 công ty tại 6 khu công nghiệp phản ánh bị đối tượng đòi nợ quấy rối liên quan tới 137 lao động vay nợ. Trong đó 88 người vay qua các công ty tài chính, ngân hàng được cấp phép, 9 người qua các ứng dụng trên điện thoại di động, website cho vay tiền - tức loại hình không được cấp phép.
Có người vay nóng 50 triệu đồng, nhưng thực tế lãi suất cao hơn nhiều so với quảng cáo. Người vay không có khả năng trả theo định kỳ nên thường bị áp dụng lãi phạt, nợ quá hạn rất cao. Một số trường hợp vay qua app, mức lãi suất thực tế có thể lên tới 365 đến 730% mỗi năm. "Người lao động nghĩ đơn giản một thời gian sẽ trả nợ xong, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều", ông Ước cảnh báo.
Dự báo tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, thiếu tá Lê Anh Tuấn kiến nghị Công đoàn Việt Nam đề xuất Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành từng bước hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan loại hình này. Các bên khi phối hợp làm nhiệm vụ cần có sự phân định phạm vi trách nhiệm quản lý và hoạt động, tránh chồng chéo nhau.
Trước mắt, người lao động nên cẩn trọng với các app cho vay, có kỹ năng tự phòng ngừa khi dùng mạng xã hội. Ông Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia, nói: "Mất Facebook nguy hiểm hơn mất tài khoản ngân hàng". Vì mất tài khoản ngân hàng chỉ mất tiền, còn mất Facebook có thể bị lộ, lọt thông tin, hình ảnh, kẻ gian dễ giả mạo người dùng lừa đảo bạn bè trong danh sách nhằm vay tiền. Thậm chí chúng cắt ghép thông tin, hình ảnh nạn nhân rồi giả danh đi lừa đảo hoặc mua bán thông tin ở "chợ đen" trên mạng.
Mất tài khoản Facebook, lộ, lọt thông tin cá nhân thường đến từ những bài đăng để chế độ "công khai cho cả thế giới biết", người dùng ít đổi mật khẩu hoặc đổi nhưng dễ đoán. Hacker luôn tìm kiếm lỗ hổng yếu nhất mà con người lại chính là lỗ hổng ấy, dễ dàng nhấp vào các đường link hoặc tải về tệp tin độc hại và kích hoạt chúng. Nếu dính mã độc, chỉ trong vài giây là người dùng có thể bị đánh cắp toàn bộ dữ liệu lẫn thông tin lưu trên máy.
Vì thế ông Hiếu khuyên người lao động không cài ứng dụng lạ, chỉ cài app chính thống đã được kiểm chứng; chỉ chia sẻ các bài viết ở chế độ bạn bè xem được, không để công khai; tăng bảo mật bằng cách thường xuyên đổi mật khẩu ứng dụng. Đặc biệt, không nên nhấp vào tệp đính kèm và liên kết trừ khi bạn chắc chắn chúng đến từ nguồn hợp pháp, dùng trình quét email để xác minh trước khi mở.
Hồng Chiêu