Thế giới đã ghi nhận 182.477.006 ca nhiễm nCoV và 3.951.380 ca tử vong, tăng lần lượt 285.076 và 5.529, trong khi 165.266.526 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Cuba hôm 29/6 thông báo bắt đầu thử nghiệm vaccine ba liều Soberana 2 trên trẻ em 3-18 tuổi. Thanh thiếu niên đầu tiên đã được tiêm mũi đầu tiên hồi tuần trước, trong khi các em nhỏ bắt đầu tiêm chủng từ hôm 28/6.
"Đợt tiêm đầu tiên với thanh thiếu niên diễn ra suôn sẻ và chứng minh an toàn, cho phép khởi động quá trình tiêm chủng trên những đứa trẻ nhỏ hơn", Meiby Rodriguez, giám đốc nghiên cứu lâm sàng ở Viện vaccine Finlay, cho biết và thêm rằng có tổng cộng 350 trẻ nhỏ tham gia đợt thử nghiệm này.
Soberana 2 là vaccine liên hợp mang một phần protein gai từ virus, được liên kết với tế bào của người. Viện Finlay chưa công bố kết quả thử nghiệm Giai đoạn ba trên hơn 44.000 người, nhưng cho biết vaccine đạt hiệu quả 62% sau hai trên ba mũi tiêm.
Cuba, quốc gia với lĩnh vực công nghệ sinh học phát triển và đã xuất khẩu vaccine trong nhiều thập kỷ, hiện có 5 ứng viên vaccine Covid-19. Nước này tuần trước tuyên bố vaccine ba mũi Abdala đạt hiệu quả 92,28% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và đang được triển khai tiêm chủng toàn quốc.
Thay vì nhập khẩu vaccine nước ngoài, Cuba quyết định phát triển các loại vaccine nội địa. Một số chuyên gia coi động thái của Cuba là mạo hiểm, song nước này dường như đã thành công, giúp nâng cao vị thế và danh tiếng khoa học cũng như tạo ra nguồn hỗ trợ để đẩy mạnh tiêm chủng toàn cầu.
Cuba đang đối mặt đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất do ảnh hưởng từ các biến chủng dễ lây lan, trong đó số ca nhiễm mới hàng ngày đã vượt mốc 3.000 hôm 29/6. Nước này đã ghi nhận gần 188.000 ca nhiễm và 1.270 người chết do nCoV, nhưng chưa có trường hợp tử vong nào là trẻ em.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.521.586 ca nhiễm và 619.844 ca tử vong do nCoV, tăng 5.941 ca nhiễm và 172 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) công bố hôm 28/6 cho thấy xu hướng giảm ca Covid-19 hàng ngày của Mỹ đã chững lại kể từ giữa tháng 6, do sự gia tăng đột biến ở các khu vực chưa được tiêm chủng. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày ở Mỹ dao động mức 11.500 người kể từ ngày 16/6, tương đương khoảng 3,5 người nhiễm trong mỗi 100.000 dân.
Mỹ ngày càng chứng kiến sự đối lập rõ rệt giữa các khu vực tiêm chủng nhiều và ít. Như tại thành phố Springfield ở bang Missouri, nơi tiêm chủng 35% dân số, tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 36,8/100.000 dân. Trong khi đó tại Burlington ở bang Vermont, chỉ có 0,9 ca nhiễm trong mỗi 100.000 dân, khi 71% dân số đã được tiêm chủng.
54% trong tổng số 332 triệu dân Mỹ được được tiêm vaccine, trong khi 46,1% hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 30.361.699 ca nhiễm và 398.484 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 45.699 và 816 ca.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thúc giục người dân tiêm chủng, đồng thời kêu gọi tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Lời kêu gọi được được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ chạy đua tiêm chủng cho 940 triệu dân giữa tình trạng nguồn cung giới hạn và nguy cơ bùng phát dịch lần ba.
Ấn Độ phải tiêm ít nhất 10 triệu liều vaccine mỗi ngày để đạt mục tiêu tiêm đủ cho toàn bộ người trưởng thành trong năm nay, nhưng đến nay chưa đầy 6% dân số được tiêm đủ hai liều.
Anh báo cáo 4.775.301 ca nhiễm và 128.126 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 20.479 và 23 trường hợp trong 24 giờ qua.
Dù ca nhiễm mới đang tăng mạnh trở lại, tân Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tuyên bố các biện pháp hạn chế Covid-19 sẽ được dỡ bỏ theo đúng kế hoạch vào ngày 19/7. Ông nói đây không chỉ bước cuối cùng cho lộ trình mở cửa, mà còn là "khởi đầu của hành chính mới thú vị" của nước Anh.
Hong Kong sẽ cấm tất cả chuyến bay chở khách từ Anh kể từ 1/7, sau khi quốc gia châu Âu này bị liệt vào danh sách "có nguy cơ Covid-19 cực kỳ cao". Điều này đồng nghĩa tất cả hành khách lưu trú tại Anh quá hai tiếng đều bị cấm nhập cảnh vào Hong Kong. Đây là lần thứ hai Hong Kong cấm người đến từ Anh, sau một lệnh cấm kéo dài từ tháng 12/2020 đến tháng 5 vừa qua.
Tây Ban Nha cũng sẽ yêu cầu du khách từ Anh phải có kết quả âm tính với nCoV, chứng minh đã tiêm vaccine trước khi được vào Mallorca, Ibiza và quần đảo Balearic lân cận. Du khách Anh cũng phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh vào Bồ Đào Nha nếu chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc không có chứng nhận âm tính với nCoV.
Nga là vùng dịch lớn thứ năm thế giới với 5.493.557 ca nhiễm và 134.545 ca tử vong.
Quy định làm việc từ xa đã được áp dụng trở lại ở Moskva kể từ ngày 28/6. Người dân thủ đô cũng phải cung cấp mã QR chứng minh đã tiêm vaccine, có xét nghiệm âm tính hoặc từng mắc Covid-19 trong 6 tháng qua trước khi được phục vụ trong nhà hàng, quán bar và quán cà phê.
Giới chức Nga cũng thúc giục người dân tiêm vaccine để chống lại đợt bùng phát mới được cho do biến thể Delta. Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko ngày 28/6 cho biết khoảng 23 triệu dân trong tổng số 144 triệu người nước này đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2.156.465 ca nhiễm, tăng 20.467, trong đó 58.024 người chết, tăng 463.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đang thúc đẩy các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn khi Indonesia đối mặt với đợt bùng phát mới nghiêm trọng. Chính phủ Indonesia dự kiến tổ chức các cuộc họp về việc siết kiểm soát trong tuần này.
Vũ Anh (Theo Reuters)