Chiến dịch Gideon đổ bộ vào bờ biển Macuto nhằm bắt cóc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro được tiến hành vào sáng sớm 4/5 dựa chủ yếu vào yếu tố bất ngờ, nhưng các tay lính đánh thuê đã rơi vào cái bẫy của lực lượng an ninh Venezuela giăng sẵn bởi toàn bộ chiến dịch đã bị tình báo Venezuela và Cuba phát hiện từ trước. 8 tay súng bị bắn chết tại chỗ, hơn 100 người bị bắt, trong đó có hai cựu đặc nhiệm Mũ nồi xanh Mỹ.
Sau khi cuộc đột kích bị vô hiệu hóa hôm 4/5, Tổng thống Maduro tuyên bố tình báo Venezuela đã xâm nhập nhóm lính đánh thuê và sẵn sàng hành động. "Chúng tôi biết mọi thứ như họ ăn gì, uống gì và ai tài trợ cho họ", ông nói thêm.
Đây là một trong những dịp để chứng kiến năng lực tác chiến phi đối xứng cũng như khả năng tình báo của Cuba, vốn đã đối đầu và nhiều lần qua mặt Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua. Không chỉ vậy, nó còn đào sâu những nghi kỵ giữa các phe phái đối lập tại Venezuela, trong đó có không ít người được cho đã từ bỏ chính quyền Tổng thống Maduro.
Phe đối lập Venezuela dường như đã bị thuyết phục với kế hoạch bắt cóc và đưa Maduro về Mỹ khi ký hợp đồng trị giá 212,9 triệu USD với công ty an ninh tư nhân Silvercorp USA của cựu đặc nhiệm Jordan Goudreau hồi cuối năm 2019. Tuy nhiên, họ đã sớm nghi ngờ năng lực của Goudreau và cắt liên lạc với anh ta vài tháng trước khi chiến dịch đổ bộ được tiến hành hôm 4/5.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định hoàn toàn không liên quan đến chiến dịch do Goudreau tiến hành. Thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido nhiều lần khẳng định không biết về kế hoạch này, dù chữ ký của ông xuất hiện trong bản hợp đồng với Silvercorp USA.
Giới phân tích đều đồng tình rằng đây là một cuộc phiêu lưu quá liều lĩnh, nhưng đó chỉ là một trong hàng loạt nỗ lực tuyệt vọng nhằm lật đổ Maduro. Dù phương pháp lật đổ Maduro liên tục thay đổi, kết quả chung là tất cả đều bị chặn đứng ngay từ khi bắt đầu.
"Nó cho thấy hiệu quả của chiến dịch tình báo do Cuba tiến hành. Một số âm mưu còn được khơi mào bởi chính các điệp viên Cuba nhằm loại bỏ lực lượng đánh thuê và buộc những kẻ nổi loạn tiềm tàng từ bỏ ý định. Nhiều người giờ đây cho rằng tình báo Venezuela và Cuba có mặt khắp nơi, khiến họ không thể tin tưởng ai", bình luận viên Mary O'Grady của WSJ nhận xét.
Cuộc tranh chấp quyền lực tại Venezuela dường như là mặt trận đối đầu mới giữa Mỹ và Cuba, trong đó Havana đang chiếm ưu thế. Mỹ vượt xa mọi đối thủ về sức mạnh quân sự truyền thống, nhưng Cuba lại chiếm ưu thế về mạng lưới tình báo và phản gián.
"Tình báo Cuba đã bị coi thường suốt hơn một phần tư thế kỷ", Brian Latell, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), viết trong cuốn sách xuất bản năm 2012. Washington tin rằng họ chỉ đang đối phó với "những kẻ nghiệp dư rừng rú" cho tới khi Florentino Aspillaga Lombard, điệp viên cấp cao của Cuba, đào tẩu sang Mỹ năm 1987.
"Đó là lúc Mỹ bắt đầu hiểu rằng Cuba đã xây dựng cơ quan tình báo thuộc hàng mạnh nhất thế giới. Thành công của họ trong một số chiến dịch, đặc biệt là điệp viên hai mang và phản gián, là vô đối", Latell cho hay.
Đại diện phe đối lập Venezuela khẳng định không đồng tình với kế hoạch của Goudreau một phần vì thiếu tin tưởng với cựu tướng Cliver Alcala, người chuyển sang ủng hộ phe đối lập hồi năm 2019. Trước khi tự nộp mình cho giới chức Mỹ hồi tháng 3, cựu tướng Venezuela đã tiết lộ về một chiến dịch với sự tham gia của "các nhà thầu Mỹ và chính phủ Colombia", dù không cho biết chi tiết.
Sau khi đập tan chiến dịch đổ bộ sáng 4/5 của nhóm lính đánh thuê nước ngoài, lực lượng an ninh Venezuela đã bắt tổng cộng 45 người bị nghi liên quan đến chiến dịch này. "Chúng tôi đang truy lùng những kẻ có liên quan và sẽ bắt tất cả", Tổng thống Maduro tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia.
Vũ Anh (Theo Wall Street Journal)