Cua xanh Đại Tây Dương (Callinectes sapidus) trông đẹp mắt nhưng được xem là mối đe dọa đối với hệ sinh thái dọc bờ biển Albania. Nước ấm lên đã tạo điều kiện cho loài giáp xác này sinh sôi nảy nở tại vùng biển Adriatic trong hơn một thập kỷ qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đánh bắt cá của ngư dân.
Tại đầm lầy ven biển Karavasta, cua xuất hiện khắp mọi nơi. Chúng phá hỏng các dụng cụ đánh cá và đe dọa các loài động vật bản địa.
"Cua xanh là một kẻ săn mồi thực sự. Chúng lấy mất miếng ăn hàng ngày của chúng tôi, kể cả những con cá đã mắc lưới", ngư dân Besmir Hoxha, 44 tuổi, nói trong lúc gỡ một con cua xanh ra khỏi lưới đánh cá. "Hãy nhìn xem! Con cua này đã xé rách cá và làm bầm tím nó, khiến chúng tôi không còn gì để bán".
"Chúng rất hung dữ và thông minh. Năm nay, chúng tôi thấy những con cua xanh ở mọi nơi, từ ngoài khơi, trên bờ biển, trong các con sông, đầm phá, đến vùng nước nội địa. Thiệt hại là rất lớn", ngư dân Stilian Kisha, 40 tuổi, chia sẻ thêm.
Có những ngày, Hoxha và Kisha bắt được tới 300 kg cua xanh, trong khi chỉ bắt được 5 - 6 kg cá mà họ bán ra thị trường. Nguồn hải sản chính như cá vược, cá phèn và lươn bản địa đang dần biến mất khi hệ sinh thái biển bị phá vỡ.
Mặc dù thịt cua được xem là món ăn ngon tại nhiều nơi trên thế giới, Callinectes sapidus không được ăn rộng rãi ở Albania. Ảnh hưởng của đại dịch cũng khiến loại hải sản này không thể xuất khẩu ra nước ngoài. Ngư dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mang chúng ra ngoài trời nắng để thiêu chết.
"Đây đang là thời gian sinh sản của cua xanh nên chúng tôi phải ngăn chúng di chuyển ra biển để đẻ trứng. Nếu không hành động nhanh, chúng càng trở nên khó kiểm soát như virus corona", ngư dân Adrian Kola, 27 tuổi, nhấn mạnh.
Theo Giáo sư thủy sinh vật học Sajmir Beqiraj tại Đại học Tirana của Albania, mỗi con cua xanh cái có thể đẻ hàng triệu quả trứng. Nóng lên toàn cầu tạo điều kiện cho chúng sinh trưởng mạnh mẽ, dẫn đến sự mất cân bằng tự nhiên. Loài giáp xác không chỉ làm suy giảm số lượng cua, cá, hến và ốc bản địa mà còn phá hủy thảm cỏ biển, thứ đóng vai trò như vườn ươm cho các sinh vật.
Đoàn Dương (Theo AFP)