Khoảng 10h, lượng ôtô sau khi ra khỏi cao tốc TP HCM - Dầu Giây đổ về cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết càng đông, xe nhích từng chút một. Ùn tắc diễn ra hơn hai km trước trạm thu phí cao tốc này ở địa bàn xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Ở chiều ngược lại từ Bình Thuận đến Đồng Nai lượng xe khá vắng, không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Anh Hùng từ Bình Dương chở gia đình đi Mũi Né du lịch cho biết ban đầu dự tính hai giờ sẽ đến, song khi qua khu vực này phải đi chậm hơn 30 phút. Cộng với đi chậm một số đoạn khác, gia đình anh mất gần 4 giờ mới tới Phan Thiết. "Tôi nghĩ khu vực thu phí trên tuyến nên mở thêm làn chứ không sẽ kẹt xe vào các dịp lễ hay cuối tuần", anh Hùng nói.
Sau khi hoạt động từ cuối tháng 4, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết rút ngắn hành trình từ TP HCM đến Phan Thiết còn khoảng 2 giờ so với 4-5 giờ so với trước. Do vậy tuyến đường được khách du lịch ưu tiên đi đi thay vì di chuyển trên quốc lộ 1 như trước. Ùn tắc ở cao tốc này được cho do trạm thu phí trên tuyến chỉ có hai làn thu phí gây ra tình trạng quá tải.
Trong khi đó, lượng xe ở các cửa ngõ TP HCM tăng cao trong ngày đầu tiên nghỉ lễ nhưng không tắc đường kéo dài như nhiều năm trước. Ở phà Cát Lái (TP Thủ Đức), dòng xe xếp hàng dài hơn 300 m trước bến phà nhưng nhanh chóng được giải toả, người dân không chịu cảnh chen lấn.
Trước đó, để giảm kẹt xe dịp lễ dài 4 ngày, đơn vị quản lý bến Cát Lái tổ chức nhân viên bán vé cách đường vào phà hơn 100 m, kết hợp lực lượng dân phòng điều tiết, giãn dòng xe. Tuy nhiên sáng nay lượng lớn xe container ra vào cảng Cát Lái đã giảm, một số người dân rời thành phố đi nghỉ lễ từ trước giúp đường Nguyễn Thị Định thông thoáng hơn.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong - đơn vị quản lý phà Cát Lái, cho biết lễ năm nay nghỉ dài ngày nên lượng người qua phà tăng cao, nhưng không dồn đến cùng lúc như một số đợt nghỉ ít ngày mà rải rác. Trong các ngày lễ, đơn vị trên dự báo cao điểm nhất hôm 3/9 với lượng khách qua bến hơn 80.000, tăng khoảng 40% so với ngày thường.
"Để đáp ứng nhu cầu đi lại, bến chủ động phương án vận hành tối đa 7 phà, gồm hai phà loại 200 tấn, ba phà 100 tấn và hai phà 60 tấn với trung bình khoảng 300 chuyến mỗi ngày", ông Thắng nói.
Cách bến Cát Lái hơn 5 km, lượng xe tăng cao theo hướng từ nội thành lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây tới các tỉnh miền Đông nhưng không ùn tắc kéo dài. Thiếu tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng tuần tra cao tốc số 6 (Cục CSGT), nói sáng nay trên cao tốc chỉ ùn ứ khoảng một giờ do ôtô chết máy ở cầu Long Thành. Cảnh sát sau đó điều tiết, xử lý sự cố giúp tình hình giao thông ổn định trở lại.
Tại cửa ngõ phía Tây, quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, lượng xe tăng cao nhưng không kẹt xe như dịp lễ, Tết một số năm trước. Ở một số nút giao lớn như vòng xoay An Lạc, Nguyễn Hữu Trí - quốc lộ 1, nhiều cảnh sát, dân quân tự vệ trực chốt, phân luồng xe qua lại. Tín hiệu đèn giao thông ở khu vực này ưu tiên thời lượng đèn xanh cho xe trên quốc lộ 1 để hạn chế ùn tắc.
Theo một CSGT đội An Lạc (Phòng CSGT Công an TP HCM), sau giờ làm chiều qua, người dân đổ về quê rất đông đến tối muộn. Lực lượng này chia nhiều tổ túc trực ở các nút giao, đường dẫn lên cao tốc TP HCM - Trung Lương để chủ động xử lý các tình huống phát sinh. Kế hoạch phân luồng tiếp tục được triển khai theo hướng ngược lại khi người dân trở về TP HCM sau nghỉ lễ.
Đình Văn - Gia Minh - Phước Tuấn