11h ngày 9/7, tại chốt kiểm soát quốc lộ 1K, giáp ranh TP HCM và Bình Dương, dòng xe ùn tắc kéo dài gần 2 km ở cả hai hướng, đa phần là xe chở hàng. Dòng ôtô tải, container... xếp kín hai làn trên mỗi chiều, di chuyển chậm. Nhiều xe lấn qua làn xe máy càng khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Những người mang giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ mất khoảng một phút để qua chốt sau khi lực lượng chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ thông tin, không có giấy xét nghiệm và trình bày lý do... dẫn đến việc giải thích tốn nhiều thời gian. Khá nhiều tài xế đi giao hàng đứng tại chốt, nhốn nháo gọi điện cho người ra chạy xe ra nhận đồ do không được đi qua.
Bà Đinh Hồng Hương, 55 tuổi, ở Đồng Nai cho biết sáng nay, bà qua TP Thủ Đức nhưng khi quay về không được qua chốt do không có giấy xét nghiệm. "Lúc đi chỉ cần khai báo y tế nên tôi nghĩ khi về cũng vậy. Giờ đành phải quay lại TP HCM để làm xét nghiệm để buổi chiều về nhà", bà Hương nói và thông báo về gia đình để tránh bị tương tự nếu muốn đi lại qua chốt kiểm soát.
Tại điểm này, hơn chục cảnh sát giao thông, công an, dân quân tự vệ... chốt trực kiểm soát toàn bộ đi qua. Hàng rào chắn kéo ngang mặt đường trên cả hai chiều, cạnh đó lều dã chiến rộng chừng 30 m2 bố trí bàn để dung dịch rửa tay, nước uống, khẩu trang, dụng cụ y tế... để phục vụ công tác kiểm soát.
Toàn bộ người đi theo hướng từ TP HCM qua Bình Dương, Đồng Nai khi qua chốt kiểm soát này đều phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 thời gian tối đa 7 ngày và khai báo y tế. Nhiều người không có giấy xét nghiệm hoặc đã quá thời hạn đều bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe. Trong khi theo hướng ngược lại về TP HCM, người dân chỉ cần khai báo y tế.
Cách đó gần 10 km, chốt kiểm dịch cầu Đồng Nai, TP Biên Hòa, hàng nghìn lượt xe máy từ TP HCM đi qua Đồng Nai đều bị chặn lại, kiểm tra giấy xét nghiệm. Những ai có giấy sẽ được hướng dẫn vào chốt khai báo y tế, còn lại buộc phải quay đầu xe về lại TP HCM, Bình Dương.
Do các xe máy cùng đổ về cùng lúc nên việc khai báo y tế trở nên quá tải, ùn ứ. Chốt kiểm soát có một máy tính để cập nhật thông tin nhưng không làm kịp. Thường xuyên có khoảng 50 xe máy đậu kín lòng đường để vào khai báo y tế khiến nhiều người lo ngại về khoảng cách an toàn.
Chị Ngọc Anh, công nhân ở TP Thủ Đức cho biết công ty đã cho công nhân nghỉ để tránh dịch nên chị đi xe về nhà ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu. "Biết đi đường qua các tỉnh cần có giấy xác nhân âm tính nên tôi và em gái đã đi xét nghiệm chiều qua", chị nói.
Đến trưa nay, lượng xe đổ về TP HCM bị ùn ứ do chốt kiểm soát vào Sài Gòn tại khu vực Suối Tiên bắt đầu hoạt động. Từ cầu Đồng Nai qua thành phố Dĩ An (Bình Dương) xe kẹt kéo dài hàng nhiều km đến Ngã tư Vũng Tàu, TP Biên Hòa.
Tại cửa ngõ miền Tây, tại chốt kiểm soát ở ngã tư Ba Làng, huyện Bình Chánh, gần 20 người gồm đội CSGT Tân Túc cùng cơ động, nhân viên y tế kiểm tra từng người vào TP HCM. Trước biển cảnh báo "chốt kiểm tra liên ngành phòng, chống Covid-19", nhiều cảnh sát đứng phân luồng để tránh ùn tắc. Phía sau, tổ công tác yêu cầu người đi đường trình giấy xét nghiệm âm tính có thời hạn trong vòng 3 ngày. Một số người không đáp ứng yêu cầu buộc phải quay đầu xe.
Chiều ngược lại trên quốc lộ 1, chốt kiểm soát của tỉnh Long An cũng kiểm soát người ra khỏi TP HCM. Do phải mất nhiều thời gian để kiểm tra từng tài xế, trong khi xe dồn về đông nên trước chốt này hàng nghìn ôtô, xe tải bị ùn tắc kéo dài hơn 500 m.
Phải nhích từng chút để chờ đến lượt kiểm tra "giấy thông hành", tài xế Văn Nam cho biết, sau khi chở hàng từ Tiền Giang lên Bình Dương, anh chạy xe trống để về nhà. "Lộ trình của tôi phải qua 3 chốt kiểm tra. Tôi phải vừa mất thời gian đi xét nghiệm mà thời gian vận chuyển cũng bị kéo dài rất bất tiện", anh Nam nói.
Trong khi đó, nhiều người bị kẹt giữa hai chốt kiểm soát với khoảng cách một km. Chở trái cây từ quận Bình Tân về Long An, anh Hoàng Minh, 36 tuổi cho biết, phải quay đầu xe vì giấy xét nghiệm hết hạn nhưng khi chạy đến chốt ở ngã tư Ba Làng, huyện Bình Chánh, anh cũng bị cảnh sát chặn lại vì lý do tương tự. "Tôi về Long An cũng không được mà quay trở lại bệnh viện ở TP HCM để xét nghiệm cũng không xong", anh Minh nói. Sau khi trình bày lý do với cảnh sát, anh được nhân viên y tế, đo thân nhiệt, ghi lại hành trình trước khi đi tiếp.
Đây là lần thứ hai TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong bối cảnh ghi nhận gần 9.500 ca nhiễm, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4, cao nhất cả nước. Trước đó từ ngày 31/5 đến 18/6, toàn thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15; từ ngày 19/6 đến 8/7 áp dụng Chỉ thị 10. Tháng 4/2020, cùng với 11 địa phương, thành phố cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong 22 ngày.
Gia Minh - Phước Tuấn - Đình Văn