TP HCM, tại phà Cát Lái phía huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) chiều mùng 5 Tết (16/2), người dân tấp nập mua vé qua TP Thủ Đức nhưng không xảy ra ùn tắc. Nhân viên bến tổ chức bán vé cách đường vào phà hơn 100 m nhằm giãn dòng xe. Tuy nhiên đến chiều tối, nơi này chỉ lác đác người mua vé, phần lớn chạy xe máy và ôtô con.
"Nghĩ ảnh hưởng dịch bệnh nên đường vắng nhưng tôi không ngờ lại thưa thớt đến vậy. Đây là lần đầu sau Tết quay lại TP HCM không trong cảnh chen lấn, ngột ngạt", chị Lệ Thanh, 34 tuổi, ở Đồng Nai nói.

Xe đi lại thông thoáng ở cả hai chiều khu vực bến phà Cát Lái, phía huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), chiều 16/2. Ảnh: Gia Minh.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong - đơn vị quản lý phà Cát Lái, cho biết để phục vụ cao điểm người dân đi lại ngày cuối kỳ nghỉ Tết, đơn vị huy động 6 phà gồm 2 chiếc loại 200 tấn, 3 phà loại 100 tấn và một phà 60 tấn. Mức này giảm so với các đợt phục vụ cao điểm lễ, Tết mọi khi nhưng các chuyến phà vẫn thông thoáng.
"Dự kiến hết ngày 16/2, khách qua bến Cát Lái đạt khoảng 60.000 người, tăng gần 20% so với ngày thường", ông Tuấn nói và cho biết đây là lần thấp nhất từ trước đến nay trong đợt phục vụ ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tương tự trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân - cửa ngõ phía Tây, lượng xe tăng cao lúc chiều tối nhưng không tái diễn ùn tắc như thường thấy. Cách đó gần 30 km tại cầu Bến Lức (tỉnh Long An) - một trong điểm nóng kẹt xe các dịp lễ, Tết, nhưng chiều nay cũng thông thoáng, xe chạy thuận tiện.
Năm nay, nhiều gia đình từ các tỉnh miền Tây chọn tự chạy xe lên TP HCM, thay vì đón ôtô khách để hạn chế đông người. Không chịu cảnh kẹt xe nhưng sau hành trình dài trở lại thành phố, nhiều người lộ rõ sự mệt mỏi do tiết trời oi bức. "Suốt chặng đường từ Vĩnh Long lên TP HCM tôi chỉ bị kẹt xe một đoạn ngắn ở đường dẫn vào cao tốc TP HCM - Trung Lương, còn lại khá thuận lợi", anh Phạm Văn Dũng, 32 tuổi nói và nhận định có thể nhiều người còn ở lại ăn Tết hoặc trở lại TP HCM rải rác để phòng dịch nên không kẹt xe như mọi năm.

Dòng người từ các tỉnh miền Tây qua cầu Bến Lức (Long An) trở lại TP HCM chiều 16/2 nhưng không ùn tắc. Ảnh: Quỳnh Trần.
Tại khu vực cầu Bình Triệu (nối TP Thủ Đức và Bình Thạnh), là một trong trục huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông TP HCM - nơi tập trung xe từ khu vực miền Đông, Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh phía Bắc trở lại Sài Gòn sau Tết nhưng đường cũng khá vắng. Đường xunh quanh bến xe chỉ thưa thớt xe qua lại.
Theo lãnh đạo Bến xe Miền Đông, lượng khách đi lại trong mùng 5 Tết tập trung đông vào buổi sáng. Bến hiện siết chặt các biện pháp phòng dịch với toàn bộ khách, tài xế, nhân viên đi và đến. Dự kiến từ 4h sáng 17/2, tại bến phối hợp lấy 100 mẫu xét nghiệm đối với khách, tài xế có đi qua khu vực có dịch.
Để tăng cường phòng Covid-19, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết sẽ giám sát chặt người từ vùng dịch vào thành phố. Theo đó bốn nhóm được chỉ định cách ly và giám sát y tế gồm: Người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 sẽ cách ly tập trung 14 ngày, từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân; người từng đi, đến, về từ nơi thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 phải cách ly 14 ngày, từ ngày rời địa phương đang giãn cách xã hội;
Người từng đi, đến, về từ các ổ dịch đang hoạt động (nhưng không phải là tiếp xúc gần) hoặc từng đi qua các địa điểm Bộ Y tế thông báo (nhưng không trong vùng phải giãn cách xã hội) thì cách ly tại nhà 14 ngày; người từng đi, đến, về từ các địa phương bị phong tỏa, các ổ dịch hoạt động, các địa điểm Bộ Y tế thông báo nhưng khai báo đã hơn 14 ngày thì tự theo dõi sức khỏe.
Ngoài ra thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên đối với người đến thành phố bằng các xe công cộng.
Hà Nội, thời tiết vào cuối chiều nay trở rét và có mưa nhỏ, nhiều người phải mặc cả áo mưa, vừa bịt kín mặt và mang đồ đạc lỉnh kỉnh trở về thành phố. Các khu vực cửa ngõ đều khá thông thoáng, không ùn tắc như các năm.
Tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lúc 17h, dòng xe nối gần một km vào cửa ngõ phía Nam thành phố. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc xe chỉ diễn ra theo từng đợt, mỗi đợt khoảng 10 phút. Ba cảnh sát giao thông được huy động để điều tiết giao thông tại đây.

Cảnh sát giao thông điều tiết ôtô ùn ứ nhẹ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 16/2. Ảnh: Ngọc Thành.
Trên quốc lộ 1A cũ đoạn giao với cổng Bến xe Nước Ngầm xảy ra ùn ứ khoảng 200 m. Là cửa ngõ phía Nam thủ đô, tuyến quốc lộ này đón lượng lớn phương tiện chủ yếu là xe máy từ các tỉnh Hà Nam, Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định...
Lỉnh kỉnh hành lý sau xe, chị Nguyễn Thị Hậu (quê Hà Nam) cho biết suốt hành trình hơn 70 km về Hà Nội đều không có điểm nào bị ùn tắc, chỉ khi về tới cửa ngõ thành phố thì ùn ứ nhẹ ở những nút giao. "Nhưng năm nay vẫn dễ dàng di chuyển hơn so với các kỳ nghỉ lễ trước", chị Hậu nói.
>> Hình ảnh người dân trở lại Sài Gòn, Hà Nội
Quỳnh Trần - Gia Minh - Hà An - Ngọc Thành