Căn cứ diễn biến và tình hình phòng chống dịch thực tế tại từng cửa khẩu, Quảng Tây chính thức khôi phục thông quan lại cửa hai cặp cửa khẩu trên.
Các cửa khẩu khác sẽ từng bước được khôi phục dựa vào đánh giá về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), quyết định này của phía Trung Quốc đưa ra một ngày sau kỳ họp thứ nhất nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc.
Cuối tháng 12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có thư gửi Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây để trao đổi về tình hình thông quan và biện pháp giải tỏa ùn tắc tại cửa khẩu.
Bộ trưởng Diên đề nghị Trung Quốc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng thương mại và duy trì chuỗi cung ứng. Ông cũng đề xuất Quảng Tây và các địa phương biên giới Việt Nam cùng trao đổi để nhanh chóng giải tỏa tình trạng ùn tắc hàng hóa tại hai bên cửa khẩu.
Cao Bằng là địa phương có tuyến biên giới đường bộ với Trung Quốc dài nhất (đường biên giới hơn 330 km). Cửa khẩu Sóc Giang (Cao Bằng) được hoạt động theo hình thức song phương với Trung Quốc từ cuối năm 2015. Hiện Cao Bằng có 5 cửa khẩu với Trung Quốc, gồm cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Pò Peo, Bí Hà và Sóc Giang.
Ngoài Cao Bằng, hiện hai cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn) vẫn chưa được phía Trung Quốc thông quan trở lại sau thời gian tạm đóng.
Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu kéo dài cả tháng nay với nhiều nguyên nhân được đưa ra. Cuối tháng 12/2021, Hải quan Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan với thanh long từ Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị do lo ngại Covid-19.
Anh Minh