Suốt ba năm qua, cứ hai lần mỗi tuần, vào chiều thứ Ba và thứ Năm, cụ ông Sun Zhicheng lại đến quán cafe nằm bên trong chuỗi cửa hàng bán đồ nội thất nổi tiếng của Thụy Điển ở quận trung tâm thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Như đã thành thói quen, lần nào ông cụ 70 tuổi này cũng gọi món bánh tôm và một chai nước nho, hết 20 tệ tức chưa đến 3 USD, theo Quartz.
Ông Sun mặc bộ suit lịch lãm màu xanh nước biển với mái tóc nhuộm đen vuốt keo ngược ra sau. Phải để ý kỹ người ngoái mới thấy dấu hiệu tuổi tác duy nhất trên khuôn mặt ông Sun là một nhúm lông bạc trắng phía đuôi mày bên phải. Ông Sung ngồi một mình khoảng một tiếng vừa nhâm nhi tách cafe vừa ngắm nhìn người qua lại. Tuy nhiên, người đàn ông cao tuổi này không ngồi trong quán cafe rộng lớn 700 chỗ này để ăn uống mà mục đích chính của ông là tìm vợ.
Vài năm trở lại đây, quán cafe nằm tích hợp bên trong chuỗi nội thất Ikea ở trung tâm thành phố Thượng Hải đã trở thành điểm hẹn hò lý tưởng của nhiều người đàn ông góa vợ, phụ nữ góa chồng, những người đã ly dị và một số trường hợp chưa từng kết hôn bao giờ. Đôi khi, họ tụ tập thành nhóm lên tới cả trăm người và "ngồi đồng" tại quán hàng tiếng đồng hồ. Bất chấp nhân viên bảo vệ của Ikea chăm chăm tìm cách đuổi bớt những khách hàng chỉ đến uống cafe mà không mua sắm bất cứ thứ gì, nhiều người cao tuổi Thượng Hải vẫn chọn đây là điểm hẹn hò vào các ngày thứ Ba và thứ Năm.
Hiện tượng này phản ánh thực trạng của người cao tuổi ở các thành phố lớn ở Trung Quốc. Dân số già ngày càng tăng trong khi xã hội Trung Quốc chưa chú trọng đến phát triển không gian sống cho người cao tuổi. Dự đoán đến năm 2050, 1/4 dân số Trung Quốc, tương đương 350 triệu người, sẽ trên 65 tuổi.
Và Thượng Hải là thành phố tập trung đông người cao tuổi sống nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2015, khoảng 30% cư dân chính thức của thành phố này trên 60 tuổi, gấp đôi so với mức trung bình toàn quốc. Bên cạnh đó, tuổi thọ của người Thượng Hải cũng cao hơn tuổi thọ trung bình của Trung Quốc, có nghĩa là có những người già Thượng Hải ở độ tuổi 80 vẫn miệt mài tìm bạn đời.
Hãng Ikea thừa nhận cửa hàng nội thất rõ ràng không phải là nơi thích hợp để xóa tan cảm giác cô đơn, càng kỳ lạ hơn khi nhiều người coi đây là chỗ để tìm đối tượng tái hôn. Thế nhưng những người cao tuổi vẫn tiếp tục đổ đến Ikea vì họ không có chỗ nào khác để đi.
'Không chốn nương thân' phiên bản Trung Quốc
Hàng chục năm về trước, hầu hết người dân Thượng Hải sống chen chúc trong những ngôi nhà xây bằng gạch hoặc đá siêu vẹo, nằm len lỏi trong những con ngõ nhỏ. Nhưng ngày nay diện mạo của Thượng Hải hoàn toàn thay đổi. Những căn nhà lụp xụp đã nhường chỗ cho những tòa cao tầng chọc trời.
Những căn nhà khi xưa dù tồi tàn nhưng tạo ra một không gian sống thân thiết và gắn kết giữa những người hàng xóm, đặc biệt với những người già. Cảnh tượng quen thuộc xưa kia là vào những buổi tối trăng thanh, người cao tuổi Thượng Hải bắc ghế tre ra trước cửa và ngồi trò chuyện với nhau rôm rả cả con ngõ nhỏ. Ban ngày họ tụ tập ở một cửa hàng đầu ngõ để cùng uống trà và đánh cờ. Vào mùa đông, họ rủ nhau đi xông hơi ở tiệm trong khu.
Ngoài ra, người cao tuổi Trung Quốc ngày nay không còn sống chung với con cháu như cách đây 20-30 năm. Mô hình gia đình lý tưởng trước kia "bốn thế hệ sống dưới một mái nhà" bao gồm ông bà, cha mẹ, con và cháu, không còn thích hợp với nhịp sống công nghiệp trong xã hội hiện đại tại các đô thị lớn. Thanh niên Trung Quốc hiện nay muốn có không gian sống riêng tư, hơn thế nữa, đa số không có khả năng tài chính để mua một căn hộ đủ rộng cho một đại gia đình.
Quan trọng hơn, các khu chung cư mới mọc lên không có nhiều không gian sinh hoạt chung do muốn tận dụng triệt để diện tích. Vì vậy, Thượng Hải thiếu trầm trọng địa điểm giải trí dành cho người cao tuổi. Và Ikea trở thành điểm hẹn hò "bất đắc dĩ".
Ngoài việc đều đặn bắt một chuyến tàu dài từ nhà đến cửa hàng Ikea vào hai ngày thứ Ba và thứ Năm, các ngày còn lại trong tuần, cụ ông Sun đi lang thang trong công viên để tán gẫu với mọi người. Những lần tới Ikea là dịp để ông cụ "quan sát xã hội", ông Sun tâm sự, "nếu suốt ngày ở nhà, tôi sẽ mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer mất thôi".
Tìm được một người "tâm đầu ý hợp" không phải chuyện đơn giản, nhiều người cao tuổi tới Ikea thừa nhận họ không thực sự quan tâm đến việc tìm kiếm tình yêu. Họ chỉ muốn ra ngoài giải khuây và trò chuyện với những trái tim cô đơn khác.
Bà Wang Xuelian, 58 tuổi, ngồi uống cafe ở Ikea cả chiều với bà Li Hong, 59 tuổi, người mà bà mới quen biết cách đây vài tuần. Hai "bà bác" Thượng Hải nhấn mạnh rằng họ không đặt nặng việc kiếm được người đàn ông để tái hôn. Hàng tuần, hai người phụ nữ gặp nhau nói về gia đình và con cái. Với họ, thế cũng đủ vui.
"Hẳn là hiệu Hermes. Mà những hai chiếc túi lận, tốn tới 150.000 tệ. Con bé mua sắm điên cuồng", bà Wang kể về cô con dâu 24 tuổi bằng giọng điệu nửa phàn nàn nửa tự hào. Rồi bà Wang rút điện thoại ra, mở một bức ảnh khoe chiếc nhẫn cưới kim cương trị giá 50.000 tệ của cô con dâu. Ngay sau đó, bà Li nhanh chóng đổi để tài, kể rằng cô con gái 35 tuổi của bà đang là giám đốc điều hành cho một tập đoàn mỹ phẩm có tên tuổi với thu nhập rất cao.
Quán cafe Ikea cũng thu hút cả những người cao tuổi đã có gia đình muốn giết thời gian. Trong suốt 6 năm qua, bà Xu Yunxian, 83 tuổi, và chồng 90 tuổi hai tuần một lần đến quán cafe này. Họ thường đến vào lúc 9h sáng và về nhà sau bữa trưa. Những ngày khác trong tuần, họ lượn qua các trung tâm thương mại gần nhà để ngắm nghía hàng hóa. "Chúng tôi cần phải ra ngoài đi bộ vì như thế thời gian cảm giác trôi nhanh hơn", bà Xu nói.
Ông Sun mơ ước về những không gian cộng đồng dành riêng cho mọi người cao tuổi, dù họ còn vợ/chồng hoặc đang sống một mình. Ở những nơi như thế, ông Sun thổ lộ, "chúng tôi có thể mua một cốc trà với 3-5 tệ và ngồi nghe kinh kịch".
"Những người già nên nhận được sự cảm thông của xã hội vì họ đang dần biến mất khỏi thế gian này", cụ ông 70 tuổi nói.
An Hồng