Cách đây 20 năm, bà Kyoko Taguchi và chồng, hiện đã ngoài 70, dự định sẽ sống một cuộc sống nhàn tản sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, kế hoạch đã không thành hiện thực. Suốt 10 năm qua, việc sống chung với gia đình của cậu con trai cả, bao gồm con dâu và hai cháu nội, khiến vợ chồng bà Taguchi cảm thấy mất tự do và cạn kiệt tài chính, Japan Times đưa tin.
Con trai lớn của ông bà Taguchi là một đầu bếp. Anh mở nhà hàng riêng. Ban đầu, việc kinh doanh diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhà hàng thưa khách dần, khiến hai vợ chồng phải làm việc nhiều hơn để lấy công làm lãi. Hai đứa con nhỏ đành gửi cho bà nội chăm sóc.
Theo một cuộc điều tra của chính phủ, 20% người cao tuổi trên 60 ở Nhật Bản được hỏi cho biết họ vẫn đang phải chăm sóc và hỗ trợ con cháu. Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Masako Hatanaka cho biết con số thực còn cao hơn thế nhiều do nhiều người không muốn nói ra.
Một ngày bình thường của bà Taguchi, 73 tuổi, bắt đầu vào lúc 4h sáng. Việc đầu tiên bà làm là giặt giũ quần áo, chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình 6 người, sau đó rời khỏi nhà vào lúc 6h sáng đến một nhà máy gần đó làm việc bán thời gian. Đây là công việc bà đã làm suốt 8 năm qua. Thu nhập từ công việc làm thêm đủ giúp bà trang trải những chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, tuổi tác ngày càng cao, bà Taguchi lo lắng không biết còn đủ sức khỏe để đi làm được bao nhiêu năm nữa và điều làm bà lo nhất là nếu bà không đi làm thì kinh tế gia đình sẽ gặp khó khăn.
Kinh tế Nhật Bản đình trệ suốt 20 năm qua đã tạo ra một thế hệ những đứa con trưởng thành sống phụ thuộc vào cha mẹ già. Kết quả nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Thống kê cho thấy vào năm 2016, khoảng 4,5 triệu người Nhật, tuổi từ 35 đến 54, vẫn sống cùng cha mẹ. Và khoảng 20% thanh niên Nhật Bản, tuổi từ 20 tới 34, muốn sống độc thân cả đời. Trong vòng 20 năm tới, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 25%.
Bà Noriko Motohashi, 79 tuổi, sống chung với con gái Shizuko 52 tuổi. Cách đây 30 năm, cũng như nhiều thanh niên khác, Shizuko có một tương lai rạng rỡ mở ra trước mắt. Sau khi tốt nghiệp đại học, Shizuko vào làm việc tại một công ty chứng khoán. Tuy nhiên, do môi trường không phù hợp, áp lực cạnh tranh với đồng nghiệp khiến cô từ bỏ chỉ sau một năm đi làm. Từ đó, Shizuko thu mình sống khép kín, ít khi bước chân ra khỏi nhà và trở thành một Hikikomori, nghĩa là người tự giam mình trong phòng riêng và từ chối tham gia vào đời sống xã hội trong thời gian dài hơn sáu tháng, chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình.
"Ban đầu, con gái tôi chỉ ở trong nhà, tôi chưa cảm nhận thấy gánh nặng tài chính", bà mẹ cho biết, "Nhưng sau đó các hóa đơn thuê bác sĩ trị liệu, chuyên gia tâm lý bắt đầu đổ về, lên tới hàng triệu yên". Bà Motohashi cho biết lương hưu hàng tháng của bà và chồng cộng lại chỉ hơn 100.000 yên (885 USD).
Thống kê của chính phủ cho thấy số lượng những người trung niên độc thân ở Nhật đã lên tới mức kỷ lục vào năm 2015. Cụ thể là trong số những người ở độ tuổi 50, cứ 4 người đàn ông thì có một người không lập gia đình và con số này ở phụ nữ là 1/7.
"Trong suốt thời kỳ kinh tế bong bóng cho đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, những người trẻ ở độ tuổi 20 thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình. Họ nghĩ họ sẽ kết hôn khi ngoài 30. Thế nhưng 1/3 trong số họ, hiện đã bước vào độ tuổi 50, không bao giờ kết hôn", nhà xã hội học Masahiro Yamada làm việc tại trường Đại học Chuo danh tiếng ở Tokyo cho biết.
"Nếu có chuyện gì xảy ra với chúng tôi thì sao?", bà Motohashi không khỏi cảm thấy lo lắng cho tương lai của con gái khi hai ông bà qua đời.
An Hồng