Hình ảnh những con cá thoi thóp trên mặt nước, thở hổn hển để lấy oxy, bên cạnh những chiếc giỏ chất đống với vô số xác sinh vật chết, đặt ra câu hỏi cấp bách về tương lai của Mar Menor, nơi nổi tiếng là thiên đường đầm phá thu hút khách tham quan.
Đầu tuần này, các quan chức địa phương cho biết họ đã di dời khoảng 5 tấn xác động vật, chủ yếu là cá và động vật giáp xác như cua, nhưng một số lượng lớn khác vẫn đang chết dần.
"Đây là sự kiện động vật hoang dã chết hàng loạt tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Mar Menor và nó vẫn chưa kết thúc", Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) hôm 25/8 nhấn mạnh trong một tuyên bố trên Twitter.
Giám đốc tổ chức bảo tồn khu vực ANSEPedro Garcia thậm chí cho rằng số lượng sinh vật chết có thể nhiều gấp đôi con số mà các nhà chức trách đưa ra.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do ô nhiễm nông nghiệp. Trong những năm qua, nước thải mang theo hàng trăm tấn nitrat từ phân bón đã xâm nhập đầm phá, dẫn đến sự sinh sôi quá mức của tảo. Sau đó, chúng chết đi và phân hủy, làm giảm nồng độ oxy trong nước, kéo theo sự sụp đổ của hệ sinh thái khu vực.
Đến thăm đầm phá Mar Menor hôm 25/8, Bộ trưởng Bộ Môi trường Teresa Ribera cáo buộc chính quyền địa phương làm ngơ trước những bất thường trong canh tác ở Campo de Cartagena, một khu vực nông nghiệp thâm canh rộng lớn đã tăng gấp 10 lần trong 40 năm qua, trong đó có 8.000 ha đất khai thác nước bất hợp pháp hoặc sử dụng nước quá mức.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng ô nhiễm nông nghiệp ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Mar Menor. Vào tháng 10/2019, một sự cố tương tự cũng giết chết khoảng ba tấn sinh vật biển.
Đoàn Dương (Theo AFP)