Bạc Hy Lai, người từng lãnh đạo Trùng Khánh từ năm 2007, đã bị bãi nhiệm hồi tháng 3/2012. Một tháng sau, chính trị gia này bị điều tra nội bộ về "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", cụm từ thường dụng để ám chỉ hành vi tham nhũng. Bạc bị tước bỏ chức vụ quyền lực nhất ông ta từng có - ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.
Vị trí của Bạc Hy Lai trong Bộ Chính trị Trung Quốc gồm 25 ủy viên khi đó đã có thể đưa ông vào ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc gồm 7 người - vòng tròn quyền lực nhất trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Một số nhà quan sát cho rằng Bạc Hy Lai thậm chí còn có thể thách thức ông Tập Cận Bình, người khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc, để lãnh đạo chính quyền kế tiếp.
Tuy nhiên, cú ngã ngựa của Bạc đã đánh dấu sự bắt đầu của cuộc điều tra một số quan chức chính trị, quân sự cao cấp và các phe phái của họ, những người mà ông Tập cho rằng đã "tham gia vào các hoạt động âm mưu chính trị".
5 năm sau, Trùng Khánh một lần nữa gặp rung chuyển chính trị lớn, với tác động có thể lan đến tận khu nghỉ mát bên bờ biển Bắc Đới Hà, nơi các nhà lãnh đạo đương nhiệm và các cựu lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập hợp hàng năm vào đầu tháng 8 để tìm kiếm sự đồng thuận về các quyết định quan trọng, bao gồm cả sắp xếp nhân sự, trước đại hội đảng lần thứ 19.
Tôn Chính Tài, 53 tuổi, là ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị Trung Quốc, vốn được xem như ứng viên hàng đầu để vào ban thường vụ. Tuy nhiên, không giống như ông Bạc, người từng xuất hiện nhiều trước công chúng khi còn đương chức, ông Tôn đã hoạt động lặng lẽ trong những năm gần đây, tránh mặt phóng viên tại các cuộc họp tham vấn chính trị hàng năm - nơi từng được xem như "sàn diễn" cho các ngôi sao đang lên của đảng.
Ở giai đoạn này, không có bằng chứng nào cho thấy trường hợp của Tôn Chính Tài cũng nghiêm trọng như Bạc Hy Lai, người đang chịu án tù chung thân vì tham nhũng.
Tôn Chính Tài không đặt ra thách thức đối với quyền lực của ông Tập giống như cách mà Bạc Hy Lai có thể làm vài năm trước. Tính cách lặng lẽ của Tôn Chính Tài cũng trái ngược với tham vọng và mong muốn được chú ý của Bạc Hy Lai, các nhà phân tích nhận xét.
Các nguồn tin nói với SCMP vào cuối tuần rằng Tôn Chính Tài đã bị điều tra, nhưng không rõ liệu ông này đã bị bắt giam chính thức để thẩm vấn nội bộ hay chưa. Hiện cũng chưa rõ chính xác điều gì đã đẩy ông vào tình thế này.
Tuy nhiên, các chuyên gia rằng cho dù điều gì xảy ra, biến động cuối tuần qua chắc chắn đã báo hiệu cho triển vọng chính trị u ám của Tôn Chính Tài.
Việc Tôn Chính Tài bị sa thải và điều tra cũng là một tín hiệu mạnh mẽ cho các cán bộ khác, chuyên gia Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc ở London, nói. "Điều đang xảy ra với Tôn Chính Tài có thể xảy ra với những người không tuân theo kế hoạch của lãnh đạo cấp cao trong đại hội đảng lần thứ 19".
Chuyên gia này "không thấy lãnh đạo cấp cao phải đối mặt với sự cạnh tranh nào, nhưng vẫn có sự kháng cự đối với kế hoạch của họ" và điều đó có thể là lý do Tôn Chính Tài thất thế. Ông cũng lưu ý việc điều tra một quan chức cấp cao như Tôn Chính Tài cần phải có "sự chấp thuận" từ ông Tập.
Nếu cuộc điều tra cho kết quả nghiêm trọng, Tôn Chính Tài sẽ là ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc đương nhiệm thứ tư và bí thư thứ hai của Trùng Khánh mất ghế trong những thập kỷ gần đây.
"Có lẽ chính Trùng Khánh là phép thử - một nơi có vẻ như mời gọi đổi mới tự do và khiến các quan chức lầm tưởng về sự an toàn của mình. Cũng giống như dưới thời Bạc Hy Lai, Trùng Khánh dưới thời Tôn Chính Tài thường được xem như nơi sáng tạo và hiện đại về mặt hành chính", Kerry Brown, giám đốc viện Lau China tại King's College ở London, nhận xét.
"Nhưng có lẽ đó cũng là nơi để kiểm tra lòng trung thành và kỷ luật của những người được quan tâm nhất. Một bí thư ngã ngựa trong vòng chưa đầy một thập kỷ thì có thể hiểu được. Nhưng hai người ngã thì đó là một câu đố khó giải", Brown nhận xét.
Phương Vũ