Các nguồn tin giấu tên, trong đó có một quan chức Đài Loan am hiểu tình hình, nói rằng chuẩn đô đốc Michael Studeman, giám đốc cơ quan giám sát tình báo (J2) thuộc Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quân đội Mỹ, có chuyến thăm không báo trước đến hòn đảo hôm 23/11.
Lầu Năm Góc và cơ quan phòng vệ Đài Loan đều từ chối bình luận về thông tin trên. Cơ quan đối ngoại Đài Loan hôm 22/11 xác nhận một quan chức Mỹ tới Đài Loan, nhưng từ chối cung cấp chi tiết. Chuẩn đô đốc Michael Studeman, người có quân hàm tương đương tướng hai sao trong quân đội Mỹ, có thể là một trong những sĩ quan cấp cao nhất của Washington đến thăm Đài Bắc trong những năm gần đây.
Giới phân tích cho rằng chuyến thăm của một tướng tình báo Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tới Đài Loan là động thái đặc biệt nhạy cảm, có thể làm Bắc Kinh tức giận và áp dụng những chính sách cứng rắn hơn với Đài Bắc, trong bối cảnh căng thẳng hai bờ eo biển đang ở mức cao và quan hệ Mỹ - Trung liên tục xấu đi.
Drew Thompson, cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách quan hệ với Trung Quốc đại lục và Đài Loan, cho rằng việc chuyến thăm của chuẩn đô đốc Studeman được thực hiện vào những tháng cuối trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump có thể là một cách để Trump gây sức ép với Trung Quốc cũng như người kế nhiệm Joe Biden.
Randall Schriver, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng tại khu vực châu Á thời chính quyền Tổng thống Trump, cho biết Lầu Năm Góc đã thường xuyên âm thầm cử các chuẩn tướng đến Đài Loan, nhưng thường không tiết lộ thông tin như lần này.
"Thông tin rò rỉ về chuyến thăm là điều bất thường và chưa từng có tiền lệ, buộc chính quyền Biden phải suy nghĩ kỹ về những chuyến thăm trong tương lai", Thompson nói. "Nó sẽ gây khó khăn cho quá trình ra quyết định, bởi chính quyền Biden sẽ nhận ra những nguy cơ và bất lợi lớn lấn át lợi ích từ các chuyến thăm cấp cao tương lai".
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh cảnh báo chuyến thăm của chuẩn đô đốc Studeman có thể gửi thông điệp sai lầm đến Đài Loan rằng "quân đội Trung Quốc sẽ e sợ khả năng can thiệp quân sự của Mỹ".
"Những lời kêu gọi thu hồi Đài Loan bằng vũ lực ngày càng lớn, nhất là khi nhiều tổ chức nghiên cứu về Đài Loan ở đại lục đang trở nên diều hâu hơn. Một chuyến thăm cấp cao tới Đài Loan có thể buộc quân đội Trung Quốc hành động. Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn làm xấu thêm quan hệ Trung - Mỹ chỉ bởi những kẻ đòi độc lập cho đảo Đài Loan", Zhou nói.
Wang Kung-yi, người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, cho rằng quá trình chia sẻ dữ liệu tình báo giữa Washington và Đài Bắc thường được giữ bí mật, khiến hai bên không muốn xác nhận thông tin về chuyến thăm của chuẩn đô đốc Studeman.
"Khác những chuyến thăm của Thứ trưởng Krach và Bộ trưởng Azer, sự hiện diện của quan chức tình báo Mỹ tại Đài Loan là động thái đặc biệt nhạy cảm, Washington và Đài Bắc cùng thống nhất không tiết lộ những hoạt động này để tránh chọc tức Bắc Kinh. Chuyến đi có thể liên quan tới việc sắp xếp hoạt động tình báo và an ninh của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước khi chính quyền Mỹ chuyển giao quyền lực", Wang nói thêm.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực nhằm vào Đài Bắc khi liên tục tổ chức diễn tập, điều hơn 1.760 lượt máy bay và tàu chiến áp sát đảo Đài Loan trong năm 2020.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đẩy mạnh các động thái ủng hộ Đài Bắc nhằm phục vụ chiến lược đối phó Bắc Kinh. Đáp lại, Trung Quốc đã điều tiêm kích áp sát Đài Loan sau chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar vào tháng 8 và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach vào tháng 9.
Vũ Anh (Theo SCMP)