Theo công bố của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 TP Hải Phòng, đạt tỷ lệ phiếu bầu hợp lệ cao nhất với 99,89%; người có tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất là bà Trần Khánh Thu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, đơn vị bầu cử số 1) với 50,02%.
15 thành viên Chính phủ trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại Cần Thơ, đạt tỷ lệ 98,74% phiếu bầu hợp lệ; Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, ứng cử ở Bà Rịa - Vũng Tàu (81,24%);
Các thành viên Chính phủ còn lại tham gia Quốc hội gồm: Bộ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang (Thái Nguyên, 88,68%); Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm (Hưng Yên, 98,36%); Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Hải Phòng, 97,03%); Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Thanh Hóa, 92,06%); Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Quảng Trị, 86,88%); Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (Đồng Tháp, 78,82%); Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Kon Tum, 93,39%); Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (Kiên Giang, 75,25%); Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (Vĩnh Long, 67,55%); Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (Bình Định, 69,23%); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Vĩnh Phúc, 89,14%); Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Hà Nội, 80,46%); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Yên Bái, 96,59%).
29 tướng lĩnh ở Trung ương và địa phương, gồm các vị là đại biểu chuyên trách khóa XIV, trúng cử Quốc hội khóa mới, trong đó có 20 sĩ quan quân đội.
Ngoài Thượng tướng Phan Văn Giang, hai lãnh đạo khác của Bộ Quốc phòng cũng tham gia Quốc hội khóa XV là Đại tướng Lương Cường (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam); Thượng tướng Nguyễn Tân Cương (Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng).
Thượng tướng Trần Quang Phương (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và Trung tướng Trần Hồng Minh (Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trúng cử, dự kiến làm đại biểu chuyên trách. Hai tướng lĩnh là lãnh đạo Quốc hội khóa XIV không tham gia nhiệm kỳ mới, gồm Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt.
Ở khối Công an, Bộ trưởng, Đại tướng Tô Lâm và hai Thứ trưởng là Trung tướng Trần Quốc Tỏ và Thiếu tướng Lê Tấn Tới đều trong danh sách trúng cử với số phiếu cao.
Các tướng công an ở địa phương tham gia Quốc hội có: Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội); Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận (Giám đốc Công an TP Cần Thơ); Thiếu tướng Vũ Thanh Chương (Giám đốc Công an TP Hải Phòng).
38 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và 3 Chủ tịch tỉnh trúng cử Quốc hội khóa XV, trong đó ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đạt tỷ lệ 91,25% số phiếu hợp lệ; ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (82,97%); ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (79,64%); ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (68,55%)...
Bốn người tự ứng cử thành công (nhiều hơn khóa XIV hai người) đều là đảng viên, ba vị là đại biểu khóa trước, gồm các ông: Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tỷ lệ 76,7% phiếu bầu); Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam, 65,09%); Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, 58,09%). Trong đó ông Trí lần thứ hai tự ứng cử.
Người tự ứng cử còn lại và lần đầu tham gia Quốc hội là bà Khương Thị Mai (Giám đốc điều hành Công ty TNHH nhôm Namsung Việt Nam, 72,66%).
14 người ngoài Đảng gồm: Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam); bà Phạm Thị Xuân (Thư ký viên Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa); Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam); ông Huỳnh Thành Chung (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước); bà Nàng Xô Vi (Giáo viên tỉnh Kon Tum); Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội); bà Quàng Thị Nguyệt (nông dân ở Điện Biên); bà Đinh Thị Ngọc Dung (nhân viên Phòng Dạy nghề - Lao động trị liệu, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương).
Các đại diện ngoài Đảng còn có ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam); ông Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội); ông Nguyễn Văn Riễn (Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam); bà Trần Thị Quỳnh (giáo viên THPT Nguyễn Khuyến, thành phố Nam Định); ông Nguyễn Duy Thanh (Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cà Mau); bà Nguyễn Thị Hà (trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh).
Có 15 doanh nhân là đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó gần một nửa đến từ khu vực tư nhân, 8 người lần đầu tham gia và trúng cử. Trong số các doanh nhân, hai người độ tuổi dưới 40 là bà Việt Hà - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Tuyên Quang (Agribank Tuyên Quang) và ông Nguyễn Duy Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cà Mau. Bà Hà cũng là nữ doanh nhân trẻ tuổi nhất trúng cử lần này (36 tuổi).
Đại diện cho khối doanh nghiệp Nhà nước hoặc Nhà nước nắm quyền chi phối có 5 người, giảm một nửa so với số trúng cử khoá XIV.
Theo danh sách trúng cử, đại biểu quê Hà Nội có số lượng đông nhất với 34 người, tiếp đó là Thái Bình 26, Thanh Hóa 25, Nghệ An 24 và Hà Tĩnh 24.
Quốc hội khóa XV có 8 đại biểu thế hệ 9X, trẻ nhất là bà Quàng Thị Nguyệt (24 tuổi, nghề nghiệp: Nông dân) ở Bản Púng Giắt I, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Đại biểu từ 25 đến 30 tuổi có 10 người; 35 đến 45 tuổi 83 người; 45 đến 55 tuổi 282 người; 55 đến 65 tuổi 114 người; trên 65 tuổi có 9 người.
Trình độ đại biểu khóa mới được nâng cao với 392 người trình độ trên đại học (78,55%), trong đó tiến sĩ 144, thạc sĩ 248; đại học 106 (21,24%); dưới đại học một người (0,2%); 12 vị là Giáo sư, 20 Phó Giáo sư.
Tổng số người trúng cử dự kiến làm đại biểu chuyên trách là 193, trong đó 126 vị ở Trung ương, 67 người ở địa phương, đạt tỷ lệ 38,6%. Đây là tỷ lệ đại biểu chuyên trách cao nhất trong các khoá Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ , các vị được giới thiệu làm đại biểu chuyên trách "hầu hết là những người có năng lực, trình độ và phẩm chất chính trị đã được rèn dũa qua thử thách, thực tiễn công tác"; và sẽ là nguồn nhân lực quan trọng để góp phần đổi mới hơn nữa hiệu quả hoạt động, nhất là tính chuyên nghiệp của Quốc hội thời gian tới.
Quốc hội khóa XV dự kiến họp kỳ đầu tiên, khai mạc vào 20/7.
499 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa XV