Ngày 28/10, trình bày báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn..., là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.
Theo bà Nga, có ý kiến phân tích Luật phòng chống tham nhũng hiện hành chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, dẫn đến thời gian qua, cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.
Liên quan vấn đề này, một số cử tri đề nghị Nhà nước nghiên cứu, tiếp thu những điểm tiến bộ của Luật về hồi tỵ từng được một số triều đại trong lịch sử Việt Nam áp dụng có hiệu quả. Luật này được đặt ra để ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết tham ô, nhũng nhiễu.
Bà Lê Thị Nga cho rằng, "đây là những ý kiến rất cần được lắng nghe, quan tâm, nghiên cứu để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tình trạng lạm quyền trục lợi".
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, thực chất việc lạm dụng quyền lực để đưa người thân vào bộ máy lãnh đạo, tạo thành mối quan hệ gia đình đan xen công việc là biến tướng của tham nhũng.
“Làm công chức mà ngay ngắn, đúng chính sách, chế độ không thể giàu được. Vậy mà người ta vẫn cứ đua nhau vào và bố trí cho người thân vào, chứng tỏ tham nhũng tiềm ẩn trong đấy”, ông Nghĩa nói và lưu ý đây chính là điều đáng báo động rất lớn trong tình hình phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Để chặn tình trạng "cả họ làm quan" nhưng vẫn đúng quy trình, ông Nghĩa cho rằng cần bổ sung quy định trong Đảng cũng như quy định pháp luật để ngăn chặn hình thành mối quan hệ thân thích, dòng tộc trong bộ máy. "Muốn đưa ra giải pháp hợp lý và khoa học thì phải nghiên cứu sâu vấn đề này", ông Nghĩa nói.
Theo Ủy ban tư pháp, trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng nghiêm trọng là do trong nhiều năm các báo cáo (về lĩnh vực này) vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung. Các báo cáo thường dùng từ ngữ như “có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị"..., mà không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi; quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động thực tế lại chưa tương xứng. |